"Kịch bản chuyển thể nên có, nhưng nó không thể giữ vai trò chủ đạo trong nền điện ảnh"

T.V-Thứ hai, ngày 10/07/2017 11:18 GMT+7

VTV.vn - Chia sẻ với VTV News, blogger "Bình Bồng Bột" tin rằng phim có kịch bản chuyển thể không có gì để lên án, nhưng nó không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền điện ảnh.

Thời gian gần đây, một số phim có kịch bản chuyển thể đã thực sự nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. "Cháy phòng vé", "Rating lập đỉnh", "Khẩu chiến trên mạng xã hội"... là những cụm từ thường xuất hiện trong những bài viết về các bộ phim này. 

VTV News đã có cuộc trao đổi nhanh với blogger Bình Bồng Bột, một phóng viên luôn theo sát mảng đề tài điện ảnh, để có thể cung cấp tới độc giả một cái nhìn khác hơn về xu hướng "vỏ phim Việt, ruột phim ngoại" đang lên trong thời gian qua.

P.V: Dưới góc nhìn từ một người theo dõi sát về lĩnh vực điện ảnh, anh đánh giá thế nào về xu hướng đang thành công hiện nay là phim mua kịch bản từ nước ngoài?

- Điều điện ảnh cần lúc này là... khán giả. Vậy thì nếu phim kéo được khán giả đến rạp, dù là kịch bản gốc hay chuyển thế đều là điều rất đáng hoan nghênh.

Thành công đến với các bộ phim này, theo anh là vì đâu?

- Năm ngoái, gần 60 phim ra rạp, nhưng đa số đều lỗ nặng, rất ít phim lời và được đánh giá cao. Điều ấy buộc các nhà làm phim buộc phải nhìn lại thị trường. Họ biết mình không thể lừa khán giả được nữa, không thể sản xuất phim theo kiểu "giật tiền" được nữa. Các bộ phim thành công cho đến nay đều có đề tài gần gũi, chạm được vào nhiều đối tượng, kịch bản chặt chẽ, hợp lý, lời thoại gần gũi và diễn xuất tự nhiên. Việc có hay không có ngôi sao trong phim không còn quan trọng nữa.

Anh đánh giá thế nào về khâu truyền thông, PR cho các bộ phim thời gian qua gây được tiếng vang nhờ việc mua kịch bản từ nước ngoài?

- Chất lượng truyền thông của điện ảnh Việt Nam, tiêu biểu là "Em chưa 18" là điều không thể bàn cãi nữa. Rõ ràng đội ngũ PR của các hãng phim ngày càng chuyên nghiệp hơn, biết tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội và nắm bắt tốt thị hiếu của giới trẻ, lực lượng chính mua vé xem phim.

Kịch bản có chiếm phần nhiều trong thành công của những bộ phim này? Nếu nhìn rộng ra điện ảnh thế giới, vai trò của người biên kịch đến đâu trong một tác phẩm mua kịch bản. Liệu có chuyện bản làm lại hay hơn bản gốc?

- Biên kịch tất nhiên là cực kỳ quan trọng. Một kịch bản hay, nhưng một đạo diễn không hay thì phim có thể hay, có thể dở. Nhưng một kịch bản dở thì đạo diễn hay cũng không thể làm ra phim hay. Như đạo diễn bậc thầy Alfred Hitchcock từng nói: Có ba yếu tố làm nên một bộ phim hay: kịch bản, kịch bản và kịch bản. 

Kịch bản làm lại vẫn có thể hay hơn kịch bản gốc, nếu người chuyển thể chắc tay và phát triển những điểm chưa thật sự tốt trong kịch bản gốc.

Nếu khâu kịch bản là quan trọng, theo anh, liệu có phải vì kịch bản chán mà phim thuần Việt còn chưa thực sự hút khách? Hay còn yếu tố nào khác chi phối, ảnh hưởng?

- Phim Việt Nam chưa thực sự chú trọng vào khâu kịch bản, nhưng điều đó đang dần thay đổi. Những workshop đã xuất hiện ngày càng nhiều. Gần đây ta thấy có cuộc thi "Để trở thành nhà biên kịch tài năng", quy tụ nhiều đạo diễn, nhà làm phim xuất sắc lãnh trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo cho những biên kịch trẻ. 

Cuộc thi đã có hàng nghìn kịch bản được gửi về và hứa hẹn sẽ cho ra một "kho ý tưởng" để phim Việt có thể sống tốt trong một hoặc vài năm. Cách huy động nguồn lực ấy rất đáng hoan nghênh. Vì Việt Nam có nhiều câu chuyện hay, nhưng chúng ta chưa có người kể hay.

Đánh giá của anh về sự thành công của các bộ phim "mượn" kịch bản nước ngoài, theo anh nó có phải là xu hướng nên nhân rộng?

- Việc làm lại một bộ phim không có gì đáng lên án. Viết lại một bộ phim đã thành công, sao cho nó thoát khỏi cái bóng của phim gốc, đưa ra những góc nhìn mới không phải là việc làm dễ dàng. Nhưng việc cổ suý cho việc làm lại phim từ nước ngoài cũng là việc không nên. 

Việt Nam chúng ta có kiểu thấy người này làm được thì mình cũng làm theo. Một nhà bán bánh tráng trộn thành công thì cả xóm đi trộn bánh tráng. Sau thành công của "Em là bà nội của anh", nhiều phim dựa trên kịch bản chuyển thể đã ra đời, vì các nhà làm phim cho đó là một hướng đi an toàn, trong lúc Việt Nam chưa có những biên kịch thật sự xuất sắc để kể câu chuyện thuần Việt. 

Nhưng nó chỉ là chuyện trước mắt, còn lâu dài, điện ảnh Việt phải kể những câu chuyện Việt 100%. Kịch bản chuyển thể cũng nên có, nhưng nó không thể giữ vai trò chủ đạo.

Xin cảm ơn anh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước