Lễ tạ cuối năm như thế nào cho đúng?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/01/2024 14:00 GMT+7

VTV.vn - Như triết lý của người xưa, cái lễ cốt nằm trong chữ tâm, không phải nhiều hay ít.

Như nhiều năm trước, tháng cuối cùng của năm Đinh Mão 2023 này là thời điểm ở các địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, nhiều người đi trả lễ cuối năm. Theo quan niệm dân gian, đầu năm đi vay cuối năm trả nợ, nghĩa là đầu năm sắm sửa lễ để xin lộc thì cuối năm gia chủ nhất định phải tạ lễ. Nếu đầu năm vay lộc thánh, xin lộc mẫu thì cuối năm phải thu xếp trả lễ để tiếp nối tâm linh, xin lộc xa gần cho năm mới.

Có vay thì có trả, với quan niệm ấy, nhiều người vào đầu năm vẫn tìm đến các cơ sở tín ngưỡng để vay tiền, vay lộc để giúp cho việc kinh doanh, buôn bán, công danh hanh thông. Để rồi vào cuối năm, họ trở lại những nơi từng đi vay để cảm ơn sự phù hộ cho công việc của mình. Với họ, đây là hành động tâm linh, mang lại lợi ích cho đời sống trần thế.

Thẳng thắn mà nói, việc vay trả ở đây mang ý nghĩa tâm linh, chỉ nên coi đó là nét văn hóa tín ngưỡng. Có một ranh giới không nhỏ giữa sự biết ơn, tấm lòng tri ân – một nét đẹp vốn có trong đạo lý của người Việt – với sự mê tín thái quá, a dua, chạy theo đám đông bằng suy nghĩ trần sao âm vậy. Khi sự tri ân biến thành sự mê tín, nhiều biến tướng tâm linh không đáng có đã xuất hiện.

"Chúng ta phải nhìn nhận việc trả lễ cuối năm là một hành động tri ân, không phải chuyện vay và trả. Những thực hành ấy bị theo chiều hướng thái quá với những người quá coi trọng làm ăn kinh tế trong cuộc sống kinh tế thị trường. Còn với đa số người dân gắn với thực hành tín ngưỡng, việc trả lễ rất đơn giản, chỉ như lời cảm ơn", bà Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ.

Nhiều lần trong các cuộc họp, hội thảo về lễ hội, quan điểm đầu năm đi vay cuối năm trả lễ được nhắc đến với sự băn khoăn của các chuyên gia. Bởi những nhân vật như bà Chúa Kho, ông Hoàng Mười, bà Trầu Bé Bắc Lệ… đều gắn với những huyền thoại về những anh hùng dân tộc, từng góp công, góp sức trong dựng nước giữ nước. Những nhân vật huyền thoại ấy không có bất cứ liên quan nào tới buôn bán hay tư duy vay trả.

Theo các chuyên gia, nhiều người tìm đến vay vốn tại các cơ sở tín ngưỡng đang là hiện tượng có thật trong xã hội. Một khi đã gắn với tâm linh, đó lại là câu chuyện cần ứng xử tế nhị, có thể chấp nhận được nếu những người trong cuộc cũng có sự tự chừng mực trong cách nghĩ, cách làm của mình.

Đi lễ Ông Hoàng Bảy xin lộc, số má đổi đời? Đi lễ Ông Hoàng Bảy xin lộc, số má đổi đời?

VTV.vn - Tiếng oan của Ông Hoàng Bảy cũng bởi lòng trần. Vì sính lễ lộc, ham cờ bạc, lười làm ăn nên nhiều người đã thêu dệt câu chuyện hoang đường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước