Luật Thủ đô tạo điều kiện phát triển văn hóa

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/11/2024 14:31 GMT+7

VTV.vn - Luật Thủ đô mở ra nhiều cơ hội cho vấn đề phát triển lĩnh vực thể thao và 12 ngành công nghiệp văn hoá tại Hà Nội.

Luật Thủ đô được sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2025. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định nhiều chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô. Một trong những điểm nổi bật của Luật Thủ đô là các quy định về phát triển văn hóa, thể hiện rõ mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô  "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đồng thời là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Chính sách về văn hóa trong Luật Thủ đô có hai nhóm quan trọng, gồm nhóm chính sách về bảo vệ và nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa Thủ đô. Cụ thể, nhóm chính sách về bảo vệ với những quy định đáng chú ý như cho phép thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; cho phép thành phố quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành cho nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể…

Nhóm chính sách về phát triển đưa ra những chính sách đặc thù, vượt trội, trong đó có quy định về việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa. Đặc biệt, thành phố được phép áp dụng phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với quy mô tương đương các dự án y tế, giáo dục. Các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao hơn quy định hiện hành về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào 12 ngành công nghiệp văn hoá.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội ban hành năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng phương thức này, không có lĩnh vực văn hóa. Luật Thủ đô cho phép áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chính sách này có ý nghĩa cởi trói cho các dự án có sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa.

Luật Thủ đô tạo điều kiện phát triển văn hóa - Ảnh 1.

“Điều 41 của Luật Thủ đô đã có sự phân cấp rất mạnh mẽ, theo tinh thần là thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền trong việc xây dựng đề án, quyết định liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật”, TS. Lê Xuân Kiều - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô còn đưa ra những cơ chế đặc thù khi cho phép các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao hơn quy định hiện hành về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực thể thao và 12 ngành công nghiệp văn hoá. Hành lang pháp lý đã thông thoáng, đây là lúc ngành công nghiệp văn hóa thủ đô đứng trước cơ hội cất cánh.

Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa. Luật Thủ đô cho phép thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Điều này mang đến nhiều hy vọng trong công tác bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa Thủ đô.

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội, từng bị xuống cấp, bị trưng dụng làm trường mẫu giáo. Sau 3 năm trùng tu, nơi đây đã trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật đặc sắc. Có được kết quả này là nhờ sự hợp tác giữa cả chính quyền và nhân dân. Đây chỉ là một trong số gần 600 dự án cần được tu bổ tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong khi nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế thì việc có các chính sách để có thể huy động hiệu quả nguồn lực xã hội là rất cần thiết. 

Khoản 11 Điều 20 trong Luật Thủ đô  cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Quỹ được hình thành từ các nguồn vốn khác nhau, bao gồm cả ngân sách và nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, nhất là trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Thế mạnh của Hà Nội để phát triển văn hóa không chỉ là vốn di sản văn hóa giàu có mà còn có nguồn lực con người to lớn. Luật Thủ đô mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp văn hóa, để văn hóa thực sự là nguồn lực, sức mạnh nội sinh, trụ cột để phát triển Thủ đô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước