Chỉ trong năm 2022, có tới 30 cuộc thi Hoa hậu ở quy mô quốc gia được tổ chức tại Việt Nam. Ra ngõ gặp Hoa hậu nên nhiều người cho biết không thể nhớ hết người đẹp sau khi đăng quang, đặc biệt khi hàng loạt cuộc thi nhan sắc được tổ chức ồ ạt. Nếu không đề cập tới những cuộc thi chui không được chấp thuận bởi cơ quan chức năng thì kể cả những cuộc thi được cấp phép đàng hoàng hiện nay cũng không còn nhiều sức hút. Thậm chí, một số cuộc thi nhan sắc để lại dư âm không tốt khi xảy ra tranh cãi và những lùm xùm không đáng có. Bởi có một thực tế rõ ràng, số lượng được quan tâm hơn chất lượng.
"Là một nhà báo theo dõi văn hóa, nói thực rằng thời gian gần đây kết quả và diễn biến không còn lấy được của tôi nhiều sự quan tâm nữa. Một trong những lý do là sự bùng nổ số lượng các cuộc thi Hoa hậu gia tăng rõ rệt. Một khi có sự gia tăng thì chất lượng đầu vào của thí sinh sẽ bị phân tán và hạn chế hơn so với trước đây. Hơn nữa, tiêu chuẩn và quy chế của các cuộc thi Hoa hậu càng ngày càng na ná giống nhau nên tính đặc thù, sự hấp dẫn và vai trò của các hoa Hậu không còn đặc trưng để khiến công chúng quan tâm, thích thú như trước đây", nhà báo Vũ Quỳnh Hương chia sẻ.
Việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc cũng mang đến nhiều hệ lụy. Nhiều cuộc thi được các địa phương cấp phép tuy mang danh là Hoa hậu, người đẹp nhưng chủ yếu nhằm mục đích giải trí, đánh bóng tên tuổi cho người dự thi và đem lại lợi nhuận cho các công ty tổ chức. Hình thức na ná nhau, quy mô cấp tỉnh nhưng khoác danh cuộc thi quốc tế. Người đẹp mới bị loại khỏi cuộc thi này đã chinh chiến ở cuộc thi khác, khiến thị trường Hoa hậu trở nên bát nháo.
"Y phục chưa xứng với kỳ đức, sắc đẹp là trời cho và mỗi người được trời phú thì phải rèn luyện để làm sao có tri thức, tâm hồn và nhân cách phù hợp với sắc đẹp ấy", TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, xã hội của Quốc hội cho biết.
Thi Hoa hậu quốc gia với những tiêu chí khắt khe về tài năng, trí tuệ, khác với những cuộc thi nhan sắc chỉ tôn vinh cái đẹp. Có lẽ, đã đến lúc cần phân định rạch ròi cách gọi, quy mô các cuộc thi với tiêu chí rõ ràng để có sự phân cấp quản lý cụ thể, cũng như có nhìn nhận, đánh giá hợp lý cả từ phía công chúng. Mỗi năm, nước ta có hàng trăm cuộc thi liên quan đến sắc đẹp và cũng từng ấy danh hiệu nữ hoàng, Hoa hậu được tôn vinh sau đêm chung kết. Danh bao giờ cũng đi liền với giá, liệu những cá nhân này đã tự chuẩn bị đủ tâm lý và kiến thức để đối mặt với những cái gía của sự nổi tiếng? Liệu công chúng có nên quá kỳ vọng vào một Hoa hậu, người đẹp xuất phát từ những cuộc thi vốn mang nhiều tính chất giải trí?
"Phân cấp là xu thế tất yếu. Cấp tỉnh có quyền như vậy. Không chỉ với cuộc thi Hoa hậu, phải nhận thức rằng khi có quyền thì phải nâng cao năng lực để đáp ứng quyền hạn đó, không nên tỉnh nào cũng thi sắc đẹp mặc dù mình có quyền", TS. Nguyễn Viết Chức nói thêm.
Hào quang càng nhiều thì áp lực càng lớn, nhất là với người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Vì vậy, khi xảy ra lùm xùm sau cuộc thi, việc trách cá nhân một thì phải trách BTC mười. Nếu BTC chỉn chu, nghiêm túc trong quá trình tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo, có cách thức hợp lý đồng hành cùng các thí sinh cả trong và sau cuộc thi sẽ hạn chế được những câu chuyện đáng tiếc. Đó là những bài học cần được suy ngẫm trong công tác tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!