Lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật: Vừa thiếu, vừa yếu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/11/2023 06:07 GMT+7

VTV.vn - TS. Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

Một bộ phim điện ảnh gây bão dư luận, nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, nóng cả diễn đàn quốc hội nhưng lại thiếu vắng ý kiến phân tích, dẫn dắt của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Hàng chục tạp chí chuyên ngành trong cả nước đang hoạt động nhưng gần như không có tiếng nói trong đời sống văn hóa nghệ thuật của cộng đồng. Nhiều năm qua, lý luận phê bình dần trở thành một khoảng trống lớn. Nguyên nhân vì sao và cần giải pháp như thế nào?

Sáng tác - biểu diễn - lý luận vốn được xem là kiềng 3 chân trong văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trong khi mảng sáng tác và biểu diễn không ngừng phát triển thì ngành lý luận phê bình lại đi theo chiều ngược lại, ngày càng trầm lắng, trống vắng, vừa thiếu vừa yếu, thậm chí ở một số lĩnh vực, phải "đốt đuốc đi tìm" mới thấy nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Gần đây nhất, bộ phim Đất rừng phương Nam trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận càng cho thấy rõ khoảng trống phê bình, khi gần như không thấy tiếng nói thuyết phục, dẫn dắt, định hướng của các nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp

Khoảng trống lý luận phê bình

Bộ phim Đất rừng Phương Nam từ khi công chiếu nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, xung quanh mối quan hệ giữa lịch sử và nghệ thuật, sự thật và hư cấu, chuyển thể giữa văn học và điện ảnh. Có hàng trăm bài viết trên mạng xã hội, báo chí; vụ việc làm nóng cả nghị trường Quốc hội. Đây là lúc cần tiếng nói phân tích chuyên sâu từ các nhà lý luận phê bình điện ảnh. Vậy họ ở đâu? 2 tạp chí chuyên ngành điện ảnh lớn nhất hiện nay: Tạp chí văn hóa nghệ thuật và Tạp chí Thế giới điện ảnh đều không có 1 bài nào của các nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp về bộ phim này.

Lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật: Vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 1.

Ông Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh cho hay: "Đúng là cần 1 tọa đàm, cần những bài viết của các nhà chuyên môn, những bài mà mạng xã hội không có được. Nhưng thực sự chúng tôi không thể mời được họ viết bài vì thứ nhất là xuất bản chậm, thứ 2 là thù lao thấp quá, nên chúng tôi đành bỏ qua chuyện đó. Việc chúng tôi chưa làm được thực sự là rất đáng tiếc".

Đã từng có 1 đời sống khác trong điện ảnh cách đây vài thập niên trước. Năm 1987, bộ phim Thằng Bờm- bộ phim hài đầu tiên khai thác chất liệu dân gian trong điện ảnh đã tạo tiếng vang lớn, nhưng đồng thời cũng tạo nhiều tranh cãi. Chính sự vào cuộc, đồng hành của các nhà phê bình đã khằng định giá trị của bộ phim, mở ra một dòng phim hài dân gian sau này.

Nhiều hiện tượng điện ảnh như Cô gái trên sông, Bi đừng sợ… đã từng chiếm trọn vẹn cả 1 số tạp chí, nhiều buổi tọa đàm tạo không khí tranh luận sôi nổi. Những năm 90 của thế kỷ trước, tạp chí Thế giới điện ảnh đã từng phát hành 3 vạn bản cho mỗi số. Nhưng nay lượng phát hành giảm đi hơn 10 lần, gần như không bán được nữa mà chỉ phát cho Hội viên hội điện ảnh.

Ông Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh cho biết thêm: "Để 1 tạp chí nghiên cứu tự chủ là không ổn vì bây giờ không còn như ngày xưa. Khi tạp chí tự mình phải làm kinh tế, thí dụ phải quảng bá cho 1 bộ phim thì cái việc khen chê cũng khó ví có thể mình phải thiên về khen thôi".

Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, tạp chí chuyên sâu hàng đầu cả nước về điện ảnh giờ may ra chỉ còn 1-2 bài phê bình trong mỗi ấn phẩm, còn lại là điểm tin, chân dung hoặc những bài đơn thuần giới thiệu tác giả tác phẩm.

Lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật: Vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 2.

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của nhà lý luận phê bình- những người thắp lên ngọn đèn dẫn dắt công chúng khám phá giá trị của những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Nhưng hiện nay, không một nhà phê bình nào có thể sống được bằng nghề là một điều rất đáng trăn trở. Sự thiếu hụt đội ngũ phê bình còn bởi công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình VHNT chuyên nghiệp bị buông lỏng suốt thời gian dài.

Khó khăn trong đào tạo lý luận phê bình

Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội: 5 năm trở lại đây, các chuyên ngành Lý luận, phê bình như Múa, Sân khấu, Nhiếp ảnh... không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển. Hiện chỉ có 1 sinh viên đang được đào tạo chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình. Đây là sinh viên duy nhất còn bám trụ trong số 5 sinh viên Lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình khóa 39 trường đã từng tuyển sinh được.

ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh từng có khoa Lý luận, phê bình sân khấu, điện ảnh, tuy nhiên đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Còn tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, nội dung môn lý luận cũng chỉ xoay quanh lý thuyết về âm nhạc, không đào tạo chuyên về lý luận, phê bình âm nhạc. Một số trường khác có mở ngành Nghiên cứu, lý luận, lịch sử, phê bình điện ảnh và truyền hình, nhưng chưa cho thấy hiệu quả là đào tạo được những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp.

Thời gian qua, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã có sáng kiến kết hợp các đợt tập huấn và mở các lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ. Hiện tại mỗi năm tổ chức 2 lớp tập huấn với nhiều chuyên đề khác nhau. Đó là một giải pháp tình thế cần thiết, nhưng hiệu quả thực tế thì đang còn phải theo dõi, chờ đợi.

Lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật: Vừa thiếu, vừa yếu - Ảnh 3.

Nhận thức thẩm mỹ và thị hiếu của công chúng ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Nếu Lý luận, phê bình chỉ còn là những bài giới thiệu sách, giới thiệu tác phẩm, tác giả hời hợt, cảm tính sẽ đánh mất sứ mệnh cao cả nhất là hướng dẫn dư luận, định hướng hoạt động tiếp nhận của công chúng một cách khoa học. Nhưng khi sự tụt hậu đã kéo dài hàng chục năm, không dễ để tìm ra giải pháp thỏa đáng.

Mới đây, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025, trong đó có chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận, phê bình, giám tuyển nghệ thuật. Con số 100 chuyên gia này sẽ là rất quý báu nếu họ thực sự phát huy hết tài năng, tâm huyết, đam mê nghề nghiệp của mình. Nhưng điều đó chỉ có được khi có đồng bộ các giải pháp từ cải thiện chế độ nhuận bút, môi trường sáng tạo cho đến sự đầu tư về điều kiện làm việc của các cơ quan tạp chí chuyên ngành. Chừng nào lý luận phê bình còn bị xem là nghề tay trái thì chừng đó mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng một nền văn nghệ hiện đại, nhân văn vẫn còn xa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước