Ngày nay, khi bật máy tính, mở điện thoại, ở mọi lúc mọi nơi, người dùng đều có thể gặp vô vàn các quảng cáo sản phẩm, từ mỹ phẩm, vật phẩm phong thủy đến các thực phẩm chức năng.. Điều đáng nói là trong nhiều quảng cáo này, có sự hiện diện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Cùng một gương mặt diễn viên nhưng nay yếu sinh lý, mai viêm khớp, thận hư rồi thời điểm khác lại quảng cáo cho một dụng cụ thể thao nâng cao sức khỏe.
Kiếm tiền từ các hoạt động quảng cáo bằng hình thức đăng tải hình ảnh, bài viết trên mạng xã hội là điều quen thuộc với nhiều sao Việt trong những năm qua. Điều này không xấu nhưng đáng nói là đang có tình trạng lặp đi lặp lại việc nghệ sĩ đăng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm chứng và thậm chí là hàng giả khiến nhiều người dùng hoang mang.
Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên hình ảnh và thương hiệu cá nhân là hợp pháp. Nhưng không ít người nổi tiếng có thể vì thiếu hiểu biết, dễ dãi hay vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Nhiều người nổi tiếng tưởng được nhiều nhưng thực ra lại đang mất đi niềm tin và lòng yêu mến từ khán giả.
Tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cả nhân, đặc biệt là văn nghệ sĩ thổi phồng công dụng của những sản phẩm quảng cáo có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc. Trước đó, Ban Tuyên giáo, thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng có công văn đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng với chất lượng. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng khi tham gia vào việc quảng cáo thì bất kỳ ai, kể cả nghệ sĩ hay người nổi tiếng, đều cần tuân quy định của pháp luật…
Luật và chế tài đã có quy định rõ ràng nhưng đâu đó vẫn còn chưa xử phạt nghiêm minh, rốt ráo khiến tình trạng này vẫn tồn tại và có chăng chỉ là vài câu xin lỗi khán giả và rơi vào im lặng. Câu chuyện nghệ sĩ làm gương mặt quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng trở thành vẫn nạn của nhiều quốc gia, như Trung Quốc. Hàng chục ngôi sao Trung Quốc đã hứng chỉ trích và nhận những mức phạt hàng trăm ngàn USD, thậm chí bị phong sát vì quảng cáo sai sự thật.
"Chúng ta đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật, không ai đứng ngoài luật pháp. Tôi cho rằng việc xử lý bằng luật pháp là điều tốt nhất. Ngoài ra, cũng có những quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ mà Bộ VHTT-DL đã ban hành thì cũng nên được đáp ứng. Nghệ sĩ phải biết lựa chọn, tìm được cái tốt để quảng cáo, vừa đem lại lợi ích cho mình, cho cộng đồng vừa đem lại thu nhập cho chính họ", ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT-DL chia sẻ.
Cẩn trọng và chuyên nghiệp trong việc dùng danh tiếng và thương hiệu của bản thân là cách tốt nhất để bảo vệ hình ảnh của người nổi tiếng trước công chúng. Với quyền lực của người nghệ sĩ, những người đã mất rất nhiều năm để gây dựng sự nghiệp và niềm tin yêu với khán giả thì cần ý thức, trách nhiệm với mỗi hành vi, lời nói ngoài đời cũng như trên mạng xã hội, hướng công chúng đến điều tốt đẹp hơn. Bởi khi nghệ sĩ truyền đi thông điệp quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm chứng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà chính nghệ sĩ cũng mất đi rất nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!