Quảng cáo trực tuyến và livestream bán hàng đang là xu hướng. Sức hấp dẫn và khả năng kiếm tiền từ nghề này lớn đến thế nào thì chỉ cần nhìn vào việc dàn nghệ sĩ nổi tiếng, các ngôi sao mạng xã hội đều thường xuyên gắn đường dẫn quảng cáo sản phẩm trong bài viết đăng tải hay livestream bán hàng cũng đủ thấy. Và khi công việc này càng thu hút nhiều người tham gia, nhiều nhãn hàng tìm đến thì càng dễ xảy ra chuyện ồn ào. Thời gian qua, liên tiếp mạng xã hội xuất hiện nhiều vụ việc về người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng.
Ngày 24/9, trong cuộc gặp gỡ truyền thông, một MC nổi tiếng thừa nhận quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Sản phẩm sữa được cô quảng cáo có thể điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường, không khác gì tiên dược. Điều này khiến khán giả phản ứng dữ dội. Nữ MC cho rằng đây là sự cố lớn nhất trong suốt 30 năm sự nghiệp và gửi lời xin lỗi khán giả. Nhưng mới cách đây vài ngày, một vài tờ báo lại chỉ ra nữ MC này đã quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm chức năng đã khẳng định đây là thuốc đỉnh cao của y học thế giới trong điều trị yếu sinh lý.
Nổi tiếng trong cộng đồng mẹ và bé, một kênh tiktok bị tố quảng cáo sai sự thật một sản phẩm chức năng cho trẻ em có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sau đó, chủ kênh này phải làm video xin lỗi cộng đồng mạng, đặc biệt là những người đã tin tưởng mình. Cô hoàn toàn nhận lỗi sai về mình. Sau đó, nhiều kênh tiktok, hay các trang cá nhân có tiếng trong cộng đồng mẹ và bé cũng bị tố đã quảng cáo cho loại sản phẩm chức năng này, hoặc nói quá về công dụng hay hiệu quả của sản phẩm để chốt đơn. Thậm chí còn quảng cáo các loại thực phẩm chức năng với công dụng thần thánh: như phòng ngừa đột quỵ, phòng ngừa ung thư… được viết dưới dạng chia sẻ kinh nghiệm, khéo léo lồng địa chỉ người bán ở dưới phần bình luận
Khảo sát 1000 nhà bán hàng đa kênh trên trên nền tảng quản lý kinh doanh Haravan từ tháng 4 - tháng 6 năm nay cho thấy xu hướng mua hàng qua các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng, chiếm hơn 50% tổng lượng đơn hàng của các doanh nghiệp. Và người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, còn gọi là KOL hay KOC - người tiêu dùng chủ chốt - đang tranh thủ mức độ "phủ sóng" hình ảnh của mình trong cộng đồng để quảng cáo, bán hàng.
Những chủ tài khoản mạng xã hội đông người theo dõi hiện nay có thể kiếm tiền theo 3 cách chính. Một 1 là nhận đăng bài hoặc video quảng cáo sản phẩm trên trang cá nhân - nhận tiền trọn gói. Hai là đặt đường dẫn đến sản phẩm mua hàng và nhận tiền dựa theo doanh thu thực tế bán được. Ba là bán hàng trực tuyến livestream. Lợi nhuận nhận được sẽ phụ thuộc vào độ hấp dẫn của nội dung cũng như lượng người theo dõi. Hoàn toàn có thể làm một video gắn đường dẫn của sản phẩm với lượng mua rất cao.
Thời gian qua nổi lên một vụ lùm xùm tố cáo nhau giữa một người dùng tiktok nổi tiếng và một nhãn hàng, nhờ vậy mà công chúng mới biết Người dùng tiktok này nhận tới 220 triệu đồng cho một lần xuất hiện và livestream bán hàng cho nhãn hàng tại một sự kiện. Một mức thu nhập khổng lồ. Nhưng mức thu nhập này có thể không đi cùng với trách nhiệm của họ về chất lượng sản phẩm.
Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số công bố báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, cho biết có đến 70% người dùng ưu tiên mua hàng hóa dịch vụ được cá nhân nổi tiếng trên mạng giới thiệu. Tuy nhiên, 68% người dùng trong đó cho rằng chất lượng hàng kém so với quảng cáo.
Có lẽ, cùng với các chế tài quản lý của pháp luật, bản thân người nổi tiếng cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn sản phẩm để quảng cáo hay giới thiệu hay làm đại diện hình ảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!