Thông qua việc kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với các nhạc cụ truyền thống hay tổ chức các lớp bình dân học nhạc, rất nhiều các bạn trẻ đang cố gắng lan tỏa và phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Đam mê đàn bầu từ khi còn nhỏ, cô bạn Lê Hà Thu (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã quyết định thành lập một CLB chơi nhạc cụ truyền thống tại chính ngôi trường phổ thông mình đang theo học, mang tên "Cầm Ca". Dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hơn 80 thành viên của CLB Cầm Ca vẫn luôn dành thời gian để nghiên cứu và gìn giữ âm nhạc dân gian trong đời sống hiện đại.
Em Lê Hà Thu, Đại diện Câu lạc bộ Cầm Ca, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ: "Qua 3 năm hoạt động, chúng em đã có những sự kiện như bình dân học nhạc. Không phân biệt bạn là ai, bạn có điều kiện hay chưa, miễn sao các bạn đến với chúng em, chúng em sẽ chia sẻ những gì mình biết".
Một số thành viên của CLB Cầm Ca
Cùng chung hướng đi với CLB Cầm Ca, dưới sự dìu dắt của các thầy cô bộ môn Âm nhạc truyền thống, các bạn trẻ thuộc CLB FTIC đã tìm tòi và phối hoà thanh các tác phẩm nghệ thuật hiện trên nền nhạc truyền thống như sáo trúc hay đàn bầu.
Em Nguyễn Thanh Trà, Đại diện Câu lạc bộ FTIC, Đại học FPT Hà Nội, chia sẻ: "Chúng em nghe thấy một bài trend sẽ viết bài đó ra, chuyển về các nốt nhạc dành cho từng nhạc cụ. Chúng em cũng mong muốn được truyền tải hình ảnh là những người trẻ chơi nhạc cụ dân tộc, thu hút những bạn trẻ có thể tầm tuổi, hoặc là lớn tuổi hơn tìm hiểu thêm về các loại nhạc cụ dân tộc cũng như văn hóa dân tộc Việt Nam".
Một số thành viên của CLB FTIC
NSƯT Mai Thủy, Giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cho biết: "Kết hợp giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại, theo mình, đó là một hướng đi tuyệt vời. Để trong giới trẻ bây giờ nhân rộng âm nhạc truyền thống, mình nghĩ là đưa âm nhạc dân gian vào trong các trường, vào trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa, tiếp cận dễ dàng hơn".
Khi người trẻ ý thức được sứ mệnh trong việc kế thừa và phát phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống, đó chính là một tín hiệu tích cực cho nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Hiện nay tại nhiều trường học, cũng đã có dậy chơi nhạc cụ dân tộc, và trở thành môn học âm nhạc thu hút được nhiều học sinh. Các bạn đã sử dụng những nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn bầu, hay đàn tranh để thể hiện những ca khúc nhạc trẻ được yêu thích hiện nay. Đây cũng là một cách tiếp cận sáng tạo, mới mẻ và thu hút được nhiều bạn trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!