Chị biết đến và quyết định gắn bó với nghệ thuật tuồng từ bao giờ?
Khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi tham gia trong đoàn Tuồng không chuyên ở Bắc Ninh. Hồi đó, tôi thường theo mẹ đi tập và nghệ thuật tuồng dần thấm sâu trong ký ức. Sau này, khi Nhà hát Tuồng về quê tôi để tuyển diễn viên, gia đình biết và đã đưa tôi đi thi tuyển. Thực ra, lúc đó tôi cũng không có định hướng hay suy nghĩ sẽ gắn bó với nghệ thuật tuồng mãi mãi, thế nhưng khi lên Nhà hát Tuồng học tập và làm việc, được các cô chú, anh chị đi trước giúp đỡ, được sống ở một môi trường như là ngôi nhà thứ hai của mình, tôi đã quyết định gắn bó.
Tuồng là môn nghệ thuật cổ và kén người xem, vậy tại sao một người trẻ như chị lại quyết tâm theo đuổi chứ không phải là môn nghệ thuật khác như diễn viên điện ảnh hay truyền hình?
Tuồng hay còn gọi là hát bội, là một môn nghệ thuật sân khấu truyền thống đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Tuồng được coi là "quốc kịch" dưới thời nhà Nguyễn. Nghệ thuật Tuồng hội tụ nhiều yếu tố như văn học, âm nhạc, múa… mỗi vở là một câu chuyện, thông điệp về lòng yêu nước, tình yêu thương giữa con người với nhau và khát vọng tự do. Với những giá trị quan trọng như vậy, việc bảo tồn môn nghệ thuật này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, với mức lương và chế độ cho diễn viên tuồng không cao nên nhiều diễn viên đã phải làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Nhưng nếu ai cũng muốn làm diễn viên điện ảnh, truyền hình thì lấy ai bảo tồn và gìn giữ những bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc? Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật tuồng.
Mức lương của diễn viên tuồng hiện nay không phải là quá cao, vậy những lúc khó khăn, động lực nào giúp chị bước tiếp?
Đến thời điểm hiện tại và cả sau này, động lực để tôi theo đuổi nghệ thuật tuồng đương nhiên là tình yêu. Tôi yêu bản sắc dân tộc Việt Nam trong nghệ thuật tuồng. Khi còn đang khó khăn như thế này, yếu tố giữ mình ở lại với nghề thì chỉ có thể là tình yêu thôi.
Được biết, hiện tại chị đang học thêm nghề DJ (chỉnh nhạc) để trang trải cuộc sống. Với một người tay ngang như chị, việc làm quen với nó có khó khăn và mất nhiều thời gian không?
Vì vẫn còn trẻ nên khi tiếp cận với nghề DJ tôi thấy không quá khó. Tôi chỉ mất một vài tháng để có thể chơi được cơ bản và đi làm. Lúc đó, mỗi ngày tôi thường bỏ ra khoảng 2 - 3 tiếng để làm quen và học hỏi nhanh hơn.
Công việc DJ mang lại cho chị thu nhập thế nào?
Tôi bận rất nhiều công việc của Nhà hát và còn đi học nên cũng không có quá nhiều thời gian để nhận show DJ. Ngoài ra, cũng tùy từng thời điểm, có những tháng thì rất nhiều show, lại có những tháng gần như không có. Nhưng nhìn chung thì cũng đủ để trang trải cuộc sống và không quá khó khăn.
Chị có định gắn bó với công việc mới này dài lâu?
Tôi không có ý định gắn bó lâu dài, bởi vì DJ thì cần tuổi trẻ và có thời, cái tôi muốn gắn bó lâu dài đương nhiên sẽ là theo đuổi nghệ thuật truyền thống.
Theo chị, giữa nghệ thuật tuồng và DJ có điểm chung gì không?
DJ và tuồng không liên quan nhưng rõ ràng cũng có điểm tương đồng vì đều là nghệ thuật biểu diễn, trong DJ rất quan trọng nhịp mà trong tuồng cũng hát nhịp rất nhiều. Học DJ cũng giúp tôi chắc nhịp hơn khi hát tuồng. Ngoài ra, làm DJ là nghề tay trái giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống để tôi yên tâm theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Nếu chỉ đăm đắm với tuồng, tôi sợ tình yêu nghề không thắng nổi nỗi lo cơm áo gạo tiền.
- Xin cảm ơn chị!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!