Nhà báo phương Tây đầu tiên phỏng vấn Bin Laden và những ký ức về Việt Nam

Talk VietNam-Thứ tư, ngày 14/10/2015 13:26 GMT+7

VTV.vn- Peter Arnett từng có 13 năm đưa tin từ chiến trường miền Nam Việt Nam, là nhà báo phương Tây đầu tiên phỏng vấn Bin Laden.

Peter Arnett là một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng nhất thế giới với 13 năm kinh nghiệm đưa tin từ chiến trường ác liệt miền Nam Việt Nam. Với hơn 3000 bài báo viết về diễn biến của chiến tranh ở Việt Nam vào đầu những năm 1960, ông đã nhận được giải thưởng Pulitzer năm 1966 trong hạng mục Phóng viên Quốc tế.

Peter Arnett đã chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 và là một trong những phóng viên đầu tiên đưa tin về sự kiện này. Năm 1981, Peter Arnett bắt đầu làm việc ở hãng tin CNN. Tại đây, ông được biết đến nhiều nhất thông qua những phóng sự truyền hình trực tiếp từ Baghdad trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong đó có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Saddam Hussein. Cũng nhờ công việc này mà ông đã nhận được giải thưởng Emmy. Ngay cả khi nguy cơ khủng bố lên cao trong những năm 1990, Peter Arnett vẫn tiếp tục quay trở lại Afghanistan. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên phỏng vấn trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Peter Arnett đã nhận được 57 giải thưởng lớn về báo chí và một số bằng tiến sĩ danh dự do các trường Đại học Mỹ trao tặng.

Peter Arnett cũng là khách mời của chương trình Talk VietNam số phát sóng mới nhất. Ông đã chia sẻ về những trải nghiệm khi đưa tin từ chiến trường ở Việt Nam 40 năm trước và những ký ức của ông về nơi này – đất nước mà như ông khẳng định, đã đưa ông đến nghề báo và giúp ông trưởng thành.

Peter Arnett! Ông có thể kể lại một chút về những gì ông đã chứng kiến 40 năm trước vào ngày 30/4/1975?

-  Đêm hôm đó, tôi ở khách sạn Caravelle và từ cửa sổ phòng, tôi đã chứng kiến những chiếc máy bay trực thăng cuối cùng rời Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ngày hôm trước, cả thành phố đã rạo rực lên nhưng đến bình minh hôm sau thì mọi thứ trở nên yên ắng. Không lâu sau đó, chúng tôi được tin chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và Dinh Tổng thống đã bị chiếm đóng. Một giờ sau đó, tôi và các đồng nghiệp đang bận rộn viết bài, đưa tin về những gì đang xảy ra thì cửa văn phòng mở ra và một sĩ quan quân đội miền Bắc và trợ lý bước vào. Họ đi cùng một nhiếp ảnh gia làm cộng tác viên cho chúng tôi. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Phiên dịch viên của chúng tôi cho biết là họ chỉ muốn nói chuyện với chúng tôi về việc làm thế nào mà họ vào được thành phố. Họ muốn cung cấp thông tin để chúng tôi viết được một bài về việc họ đã giành chiến thắng như thế nào.

Chúng tôi nghe họ kể và ghi chép. Một đồng nghiệp của tôi viết bài và gửi về trụ sở AP, còn chúng tôi thì ngồi bên nhau, uống Coca Cola không để lạnh và ăn bánh quy. Sau một hồi thì hai người lính miền Bắc ra về. Đó quả thật là một cuộc gặp gỡ lần đầu rất dễ chịu với những người lính đã chiến đấu bền bỉ để giải phóng Sài Gòn.


Peter Arnett (đứng thứ 3, từ trái sang, hàng trên) trong ngày 30/4/1975 - khoảnh khắc được ông kể trong câu chuyện về ngày lịch sử này. Bức ảnh được chụp tại văn phòng của AP ở Sài Gòn. (Ảnh: Sarah Errington/AP)

Peter Arnett (đứng thứ 3, từ trái sang, hàng trên) trong ngày 30/4/1975 - khoảnh khắc được ông kể trong câu chuyện về ngày lịch sử này. Bức ảnh được chụp tại văn phòng của AP ở Sài Gòn. (Ảnh: Sarah Errington/AP)

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975, vì sao ông quyết định ở lại thành phố?

- Tôi đã quyết định ở lại vì khi đến Việt Nam, tôi mới chỉ là một phóng viên trẻ và càng ở Việt Nam, tôi càng trưởng thành hơn trong công việc của một phóng viên chiến trường. Sự nghiệp của tôi đã phát triển cùng với những trải nghiệm mà tôi có được từ đất nước này. Tôi đã hiểu được bộ máy bên trong của quân đội, tôi hiểu được bản chất của một cuộc chiến mà mục đích của nó không hề rõ ràng đối với nhiều người Mỹ hay người phương Tây. Tôi cảm nhận được rằng trên thế giới sẽ tiếp tục có những xung đột tương tự trong thời gian tiếp theo. Vì vậy, tôi quyết định theo đuổi sự nghiệp phóng viên chiến trường.

Khi chính quyền miền Nam Việt Nam bắt đầu suy yếu trông thấy vào năm 1973, tôi nhận ra rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Tôi tự thấy cần phải ở lại đây để chứng kiến và viết bài về cái kết này. Năm 1973, tôi có dịp cho con trai tôi là Andrew hiểu thêm về công việc của tôi thời chiến. Lúc đó thằng bé mới khoảng 9 tuổi và khoảng thời gian đó không có nhiều diễn biến chiến tranh cho lắm. Hai cha con tôi đã lái xe từ Sài Gòn đến Huế theo quốc lộ 1. Hôm nay tôi không mang theo ảnh của chuyến đi đó nhưng tôi nhớ Andrew khá thích thú khi được chơi với các thiết bị quân sự trong chuyến đi.

Đến năm 1973 thì đã có nhiều thiết bị quân sự của Mỹ bị bỏ lại khắp các vùng quê, bao gồm cả xe tăng, các mảnh pháo cối, súng phòng không. Chúng tôi đã cảm nhận được cái kết của cuộc chiến đang đến gần. Tôi tự nhủ rằng tôi cần có mặt tại Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, ngay cả khi lực lượng giải phóng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã bao vây thành phố và Đại sứ quán Hoa Kỳ tuyên bố rằng chúng tôi phải rời đi ngay.

Phần lớn các phóng viên khác đã rời thành phố, nhưng tôi và một vài đồng nghiệp quyết định ở lại để chứng kiến thời khắc lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đó chính là lý do tôi ở lại và tôi chưa từng hối hận vì quyết định này.


Peter Arnett và bức ảnh của ông được chụp năm 1963. (Ảnh: AP Photo/File)

Peter Arnett và bức ảnh của ông được chụp năm 1963. (Ảnh: AP Photo/File)

Ông đã thăm lại Dinh Thống nhất sau nhiều năm khi chiến tranh kết thúc. Trải nghiệm đáng nhớ nhất của ông tại đây là gì?

- Tôi đã thăm Việt Nam 15-20 lần rồi và mỗi lần lại là một trải nghiệm khác. Việt Nam sau chiến tranh là một đất nước rất khác Việt Nam trong thời chiến. Những lần đầu quay về Việt Nam, tôi có thể đến thăm Hà Nội và nhiều địa phương khác một cách thuận tiện. Trong những năm 1977, 1979 hay 1985, tôi đã đến được nhiều vùng miền của Việt Nam mà tôi không có cơ hội đặt chân đến trong những năm tháng chiến tranh. Không chỉ có miền Bắc Việt Nam mà cả những nơi như Khe Sanh - chiến trường ác liệt nhất năm xưa - và nhiều địa điểm mà trước đó muốn đến thì cần phải có một đơn vị an ninh đi cùng.

Bản thân con người Việt Nam cũng đã thay đổi. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên là năm 1958 khi còn rất trẻ. Lúc đó tôi đã cảm nhận được một sự căng thẳng ở miền Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh thì ở đâu cũng có dây thép gai và khi đến các xóm làng tôi có thể cảm nhận được rằng người dân Việt Nam luôn phải sống trong lo sợ. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì nỗi sợ đó đã không còn nữa. Đó là sự thay đổi lớn nhất. Tôi có thể tự do đi lại và người dân Việt Nam đã có được một cuộc sống tốt đẹp hơn trước kia nhiều.

Để nghe trọn vẹn cuộc trò chuyện của nhà báo Peter Arnett tại Talk VietNam, bạn hãy xem video dưới đây:

 

Talk VietNam: Ký ức Việt Nam của Peter Arnett

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước