NSƯT Duy Tân trong vai thằng gù Quasimodo và Phương Trinh vai nàng Esmeralda - Ảnh: Hoàng Khánh
Nhạc kịch vốn là thể loại rất kén khán giả, trong khi đó thói quen thưởng thức nhạc kịch của khán giả Việt lại chưa được hình thành. Thêm nữa, vở Nhà thờ Ðức Bà Paris của tác giả Vũ Huy Tiến ngay từ đầu đã rất chật vật tìm nguồn kinh phí cho cảnh trí, đạo cụ, dàn nhạc... nên công tác quảng bá là hoàn toàn không có.
Vậy mà, điều bất ngờ là hai đêm diễn tại Nhạc viện TP.HCM đều được khán giả đến dự kín cả khán phòng. Có thể họ đến với vở nhạc kịch này trước hết vì tính tò mò hoặc vì tầm vóc quá vĩ đại của tác phẩm Notre Dame De Paris của đại văn hào Victor Hugo, nhưng rõ ràng nhu cầu được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao của khán giả là có thật.
Thế nhưng, những khán giả có mặt trong hai đêm vừa qua đã không thể không tiếc nuối cho công trình hàng chục năm của nhạc sĩ Vũ Huy Tiến.
Ðầu tiên, tiếc cho sự vắng mặt bất đắc dĩ của NSND Trần Hiếu. Theo thông tin từ các nghệ sĩ, ông là người rất tâm huyết và nghiêm túc trong quá trình tập luyện suốt hơn một năm qua nhưng cuối cùng vì lý do sức khỏe, ông đã không thể tham gia được.
Vắng đi vai nhà thơ dẫn chuyện của NSND Trần Hiếu - người đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối các vai diễn lại với nhau, vở nhạc kịch trở nên vô cùng rời rạc, khiến những ai chưa từng đọc qua tác phẩm văn học Notre Dame De Paris sẽ cảm thấy khó khăn trong việc nắm bắt được những gì đang diễn ra trên sân khấu.
Dẫu vậy, cần phải nhìn nhận rằng nếu chỉ xét về phần âm nhạc và diễn xuất của diễn viên thì đây là một vở nhạc kịch thuộc loại khá. Từ việc am hiểu thực trạng và chỗ đứng của thể loại nhạc kịch ở VN, tác giả Vũ Huy Tiến đã viết nhạc "đo ni đóng giày" cho vở kịch này chỉ với các thể loại jazz, blues, pop nên có thể nói âm nhạc của vở Nhà thờ Ðức Bà Paris này rất giàu giai điệu và dễ nghe.
Một số diễn viên hát rất tốt và thể hiện tròn trịa cảm xúc nhân vật, trong đó đáng chú ý nhất là NSƯT Duy Tân trong vai thằng gù Quasimodo và NSƯT Cao Minh trong vai linh mục Frollo.
Âm nhạc ổn, diễn xuất ổn - cái nền cần có cho một vở nhạc kịch, nhưng đáng tiếc thay cái nền ấy chưa đủ điều kiện cần có để làm nên một cột mốc đáng nhớ cho nhạc kịch tại VN. Không có cảnh trí sân khấu, thiếu vắng dàn nhạc (chỉ có nhạc sĩ Vũ Huy Tiến đảm nhận đệm piano và organ cho toàn buổi diễn) đã làm vở nhạc kịch có phần đơn điệu, thiếu hẳn tính hoành tráng cần có.
Nhiều khán giả đến xem lẫn nhạc sĩ Vũ Huy Tiến đều mong mỏi vở nhạc kịch có thể được tái diễn trong tương lai với phần tham gia của NSND Trần Hiếu cũng như phần đầu tư ấn tượng hơn cho sân khấu và dàn nhạc. Tuy nhiên, nhiều khả năng "giấc mơ chỉ là giấc mơ" vì kinh phí cá nhân của nhạc sĩ Vũ Duy Tiến không còn và bóng dáng của các nhà tài trợ cho loại hình âm nhạc tương đối kén khán giả này hiện vẫn rất... xa xăm.