Nhạc sĩ Thanh Bùi: "Điều tôi cảm thấy mình giỏi nhất là làm thầy giáo"

(Theo Talk Việt Nam)-Thứ bảy, ngày 20/11/2021 08:18 GMT+7

(Ảnh: Thanh Bùi FB)

VTV.vn - Là thầy giáo của nhiều ca sĩ trẻ của Việt Nam như Vũ Cát Tường, Bích Ngọc, Minh... Thanh Bùi đang mơ ước mang đến giáo dục sáng tạo cho trẻ em Việt Nam.

Thanh Bùi là ca-nhạc sĩ người Australia gốc Việt đã từng lọt Top 8 của cuộc thi thần tượng âm nhạc Úc (Australian Idol) vào năm 2008. Anh cũng là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, đã từng tạo ra bài hát "Danger", bài hát ra quốc tế đầu tiên của nhóm BTS - nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.

Trong cuộc trò chuyện với chương trình Talk Việt Nam của VTV, Thanh Bùi nói lý do anh tập trung vào giáo dục là muốn nghệ thuật sẽ là bệ phóng cho nhiều thành công sau này của các bạn trẻ.

Nhiều khán giả rất tò mò muốn biết tại sao từ một ca sĩ, nhạc sĩ rất thành công mà giờ đây anh lại đầu tư vào ngành giáo dục, anh có thể nói rõ hơn về điều đó không?

- Hiện tại tôi vẫn là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Điều đó không thay đổi và tôi không nghĩ rằng sẽ không bao giờ thay đổi. Giáo dục là ngành mà tôi đã theo đuổi từ năm 18 tuổi. Khi tôi rời ghế nhà trường, công việc chính đầu tiên mà tôi làm là huấn luyện viên thanh nhạc, giáo viên dạy nhạc. Vì vậy, giáo dục đã theo tôi suốt cuộc đời rồi.

Vậy ở tuổi 18, anh đã là một huấn luyện viên thanh nhạc rồi sao?

- Đúng vậy. Đó là cách mà tôi kiếm sống vào thời điểm ấy. Và đó cũng là cơ hội để tôi hoạt động nghệ thuật và làm việc thực sự chăm chỉ trong lĩnh vực này. Bài hát cuối cùng tôi viết là với nhóm nhạc BTS, đó là bài hát đầu tiên trong album quốc tế đầu tiên của họ được phát hành trên toàn thế giới. Tôi đã tự nhủ rằng thế là tạm đủ cho sự nghiệp âm nhạc của mình rồi. Lúc đó là vào khoảng sáu năm trước và sau đó thì tôi thực sự tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục làm sao để mang lại sự sáng tạo cho càng nhiều trẻ em càng tốt. 

Sự thay đổi lớn nhất đối với tôi là khi tôi có con và là bố của hai bé trai Kiến An, Khải An. Hiện chúng đã được 4 tuổi rưỡi. Và ngay tại thời điểm chúng được sinh ra, tôi đã đặt một câu hỏi đó là mình sẽ cho con học trường nà? Trước đây tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ đến điều đó nhưng khi tôi có một cặp song sinh thì tôi nhận ra đây là những vấn đề thực tế trong cuộc sống mà tôi phải tìm cách giải quyết. Càng tìm hiểu sâu về nền giáo dục ở Việt Nam thì tôi lại càng thấy rằng có quá nhiều việc cần phải làm và chúng ta có thể hiểu tại sao Việt Nam lại có được như ngày nay, một đất nước đang phát triển. 

Mất một khoảng thời gian nữa, Việt Nam mới bắt kịp trình độ giáo dục quốc tế như Mỹ, Australia hay Anh. Vì vậy, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ tạm gác sự nghiệp âm nhạc của mình sang một bên, "nghỉ hưu" một chút và làm việc chăm chỉ để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục cho con của mình nhưng cũng đồng thời xây dựng được một điều gì đó cho Việt Nam. Đó là cơ sở để bắt đầu tất cả. Và cho đến hôm nay, chúng tôi đã tiến xa hơn rất nhiều so với 6 năm trước và vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi thực sự hạnh phúc với mọi thứ mình đã gây dựng nên ở hiện tại.

Nhạc sĩ Thanh Bùi: Điều tôi cảm thấy mình giỏi nhất là làm thầy giáo - Ảnh 2.

Anh có thể chia sẻ với chúng tôi về ngày đầu tiên anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục được không? Điều đó như thế nào, có khó khăn không?

- Quyết định đó đến một cách rất tự nhiên. Nếu ai đó hỏi tôi trong số tất cả những điều tôi đã làm, điều gì tôi cảm thấy mình giỏi nhất thì tôi sẽ trả lời rằng đó là làm thầy giáo chứ không phải là làm nhạc sĩ hay biểu diễn trước hàng nghìn người. Tôi thực sự thấy thoải mái nhất khi được ở trong lớp học với lũ trẻ.

Thật thú vị!

- Và thực sự thì đối với tôi điều đó luôn đúng. Chỉ là khi bạn hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và làm việc với những người nổi tiếng thì hầu hết những cánh báo chí sẽ gán cho bạn cái mác ca sĩ, nhạc sĩ, hay nghệ sĩ biểu diễn. Và tôi đang cố gắng chia sẻ với mọi người rằng đừng đặt nhãn mác cho bất kỳ ai. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn và trở nên thuần thục với việc đó. Chúng ta sẽ là những người đa năng, chỉ cần làm việc chăm chỉ và sẵn sàng dành thật nhiều đam mê trong những việc đó. Vì vậy, trước khi về Việt Nam, tôi đã thành lập chuỗi các trường học tại Australia. 

Chúng tôi có trường biểu diễn nghệ thuật và trường âm nhạc ở Melbourne, chúng tôi có các studio ở Sydney và có công ty phát hành và công ty sản xuất. Vì vậy thực chất những việc tôi đang làm hôm nay là những gì tôi đã làm trước khi chuyển về sinh sống tại Việt Nam. Những việc đó bây giờ có ý nghĩa hơn rất nhiều bởi vì tôi đã tự nói với bản thân mình 8 năm trước khi chúng tôi mở Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul rằng nếu tôi đóng cửa các trường học ở Australia, điều đó có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không? Và câu trả lời là không.

Tại sao vậy?

- Bởi vì có hàng trăm nghìn trường học khác cũng tương tự như vậy ở Australia và nghệ thuật biểu diễn đã trở thành một phần văn hóa của họ. Cho nên hầu như mọi đứa trẻ đều được học kĩ năng này. Đó là niềm đam mê và cũng là lý do tại sao chúng tôi quyết định bắt đầu với Soul và sau đó tiếp tục xây dựng hệ sinh thái để đạt được một mục tiêu rất đơn giản, đó là mọi trẻ em tại Việt Nam đều phải được tiếp cận với âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn. Nó rất đơn giản như vậy thôi.

Vậy khi mới bắt đầu, anh có gặp khó khăn trong việc thuyết phục các bậc cha mẹ Việt Nam rằng họ nên đầu tư vào âm nhạc và nghệ thuật cho con mình chứ không phải toán, khoa học như suy nghĩ của các bậc phụ huynh Việt Nam điển hình?

- Tất cả những gì tôi có thể nói là cho đến ngày nay việc đó vẫn còn khó khăn. Và âm nhạc, nghệ thuật hay sự sáng tạo ngày nay vẫn chỉ được xem như một môn học phụ. Tôi luôn chia sẻ một câu chuyện nhỏ như thế này. Ai là người sáng tạo nhất mà tôi biết, bạn có muốn đoán không?

Có phải bọn trẻ không?

- Không, đó là kế toán của tôi. Kế toán của tôi và giám đốc tài chính của tôi. Họ là hai người sáng tạo nhất mà tôi biết.

Cho tôi biết tại sao được không?

- Bởi vì họ có khả năng xâu chuỗi sự việc mà không ai có thể làm được và đặc biệt tư duy của họ vượt giới hạn bởi họ có lối suy nghĩ rất sáng tạo. Từ câu chuyện nhỏ đó, ta thấy được một điểm rất quan trọng đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, đó là bất cứ khi nào chúng ta nói về sự sáng tạo, mọi người vẫn nghĩ rằng bạn phải vẽ hoặc nhảy hoặc hát hoặc viết lách. Và đó là suy nghĩ mà tôi đang nỗ lực để xóa bỏ, vì khi cha mẹ nghĩ như vậy, họ sẽ nhầm lẫn về điều tốt nhất cho con cái của họ. 

Nhưng trong một thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết với toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, và tiến bộ công nghệ đang diễn ra hàng ngày và khi thế giới còn quá nhiều ẩn số, bạn nghĩ bạn phải dạy con mình điều gì? Tôi tin rằng cốt lõi phải là sự sáng tạo. Bởi vì một đứa trẻ có óc sáng tạo sẽ nhìn ra được những điều bí ẩn và tạo ra thứ gì đó, chúng sẽ kết nối được những điều mà chưa từng được kết nối trước đây. 

Tôi rất thích lời giải thích đơn giản từ Richard Branson, ông ấy cho rằng sự sáng tạo như là ABCD - Always Be Connecting the Dots, luôn luôn phải kết nối các dữ kiện để đưa ra ý tưởng mới. Tôi đã có cơ hội tuyệt vời để ngồi lại với ông ấy, một người mà tôi rất kính trọng. Tôi đã đọc các quyển sách ông ấy viết. Và khi bạn ngồi nói chuyện với Richard, một trong những doanh nhân kinh doanh thành công và sáng tạo nhất trên thế giới, bạn sẽ thấy rằng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của ông ấy chính là điều đã làm nên ông ấy của ngày hôm nay. Đối với chúng tôi việc thuyết phục các bậc phụ huynh vẫn còn rất khó vì xã hội nhìn nhận sự sáng tạo theo một cách rất khác, một cách tiếp cận rất truyền thống. 

Nhưng tôi nghĩ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra và nó tác động đến tất cả mọi người thì thế giới đã thực sự thay đổi vì COVID-19. Tôi nghĩ bên cạnh những điều khủng khiếp đã xảy ra như là những cái chết bởi dịch bệnh, nạn thất nghiệp và các vấn đề kinh tế mà dịch bệnh đã gây ra cho tất cả mọi người trên thế giới, thì cũng có những mặt tích cực của nó. Đó là những người sáng tạo sẽ chứng minh được họ có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh khó khăn này. Và đó là chìa khóa để thành công. 

Nhạc sĩ Thanh Bùi: Điều tôi cảm thấy mình giỏi nhất là làm thầy giáo - Ảnh 3.

Tôi nghĩ hiện nay việc hoạt động chúng tôi đã dễ dàng hơn so với 10 năm trước. Trước đây vào ngày khai giảng đầu tiên đã có nhiều phụ huynh đến gặp tôi và hỏi tôi rằng sẽ mất bao lâu để con họ có thể chơi piano được như Mozart. Tôi đã nghĩ trong giây lát làm thế nào để các bậc cha mẹ nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác có liên quan đến họ. Sau đó tôi hỏi: "Con trai của chị có học Toán không?" và người mẹ đó nói tất nhiên là có và thậm chí học rất giỏi Toán, sau đó tôi hỏi tiếp: "Con trai của chị sẽ phải học Toán bao lâu nữa để trở thành Albert Einstein?". Và sau đó người mẹ nói rằng điều đó khác, nhưng đến khi tôi hỏi nó khác thế nào thì chỉ nhận lại được sự im lặng. Và ngay lúc đó, chị ấy như được sáng tỏ và nhận ra rằng âm nhạc và nghệ thuật đã được nhìn nhận theo một cách hoàn toàn khác so với những gì nó nên được nhìn nhận. Chúng nên là một phần trong chương trình giảng dạy cho trẻ em chứ không chỉ đơn thuần là những môn năng khiếu được bổ sung vào. 

Vì vậy, tôi rất hi vọng vào những ông bố bà mẹ ở tuổi tôi hay tuổi bạn hay thậm chí trẻ hơn. Đất nước ta có nhiều người trẻ, điều này sẽ tạo ra những sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội. Chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai của bọn trẻ bằng cách trang bị cho chúng những giá trị cốt lõi đúng đắn và những bộ kỹ năng phù hợp.

Giờ tôi muốn quay trở lại ngày đầu tiên mà anh bắt đầu mở trường học này. Anh có thể cho chúng tôi biết thêm về thời gian đó được không?

- Hồi đó, tôi đã đóng cửa tất cả các trường học ở Australia và trở về Việt Nam.

Đó có phải là một quyết định khó khăn không hay anh đã cảm thấy rất tự tin?

- Đối với tôi điều đó rất đơn giản, tôi đã gặp được tình yêu của đời mình và điều đó đã khiến tôi quyết định phải quay trở về Việt Nam để không bỏ lỡ cơ hội được chung sống với người bạn đời của mình. Và cho đến bây giờ chúng tôi đã bên nhau được 10 năm và đó là quyết định quan trọng nhất của cuộc đời tôi. Mọi chuyện đang diễn ra rất tốt đẹp. 

Nhưng thực sự thì ban đầu mọi thứ rất khó khăn với tôi vì lúc đó tôi mới về Việt Nam nên chưa hiểu được cách làm việc ở Việt Nam, ngôn ngữ của tôi còn hạn chế. Tôi biết rằng đã rất khó để mọi người có thể hiểu những gì tôi nói cho nên tôi thậm chí còn có người phiên dịch tiếng Việt của tôi sang… tiếng Việt. Vì vậy, tôi rất biết ơn vì tôi đã có một cuốn "từ điển tóc dài", chính là người vợ của mình hơn 10 năm qua để giúp tôi tiếp thu ngôn ngữ, học những kiến thức sâu sắc, những ngóc ngách của ngôn ngữ vì tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp. Và tôi càng làm chủ được nó, tôi càng cảm thấy mình có thể kết nối tốt hơn với tất cả những người xung quanh. Lúc đó Vân vợ tôi có chia sẻ rằng: "Em nghe anh nói nhiều điều tiêu cực lắm, anh định làm gì với chúng vậy?" và câu nói đó đã đánh trúng vào tôi. Tôi đã trả lời rằng trước hết tôi sẽ hỏi cưới em và điều tiếp theo là tôi muốn làm một điều gì đó có sự ảnh hưởng lâu dài trong lĩnh vực này. Vì vậy, tôi quyết định ở lại đây chính thức từ năm 2013 và đó cũng chính là năm chúng tôi mở Soul.

Theo những gì tôi được biết thì trước đây bố mẹ anh muốn anh trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, vậy anh đã chọn con đường âm nhạc như thế nào?

- Tôi đến từ một gia đình bình thường. Bố mẹ tôi là nông dân, họ trồng khoai tây và làm cả nghề may vá nữa. Họ làm ở xưởng may. Hồi nhỏ lúc 6-7-8 tuổi, anh trai tôi và tôi sau khi về nhà sẽ bắt đầu ngồi vào máy 1 kim Juki và may những chiếc túi quần và nhiều thứ khác nữa. Đó là những gì tôi từng trải qua. Chúng tôi đi lên từ con số không, bố mẹ tôi còn không được học hành. Tuy nhiên, điều khác biệt là tôi đã rất may mắn khi được tiếp cận với nhiều môn học sáng tạo từ thể thao, âm nhạc, đến kỹ năng diễn thuyết, sân khấu, diễn xuất. Tôi đã đều trải nghiệm qua.

Nhưng anh đã rất may mắn vì biết mình thích gì và biết đam mê của mình là gì đúng không?

- Cũng không hẳn là như vậy. Lý do duy nhất khiến tôi có thể khám phá được đam mê của mình là tôi đã có cơ hội trải nghiệm nhiều điều mà nhiều đứa trẻ không có cơ hội thử.

Bạn không thể biết mình thích làm gì nếu bạn không được trải nghiệm chúng. Và tôi đã được trải nghiệm và thử sức với mọi thứ tôi muốn. Tôi cảm thấy may mắn rằng mình đã có cơ hội để làm những điều đó. Môn nghệ thuật đầu tiên mà tôi học không phải là âm nhạc mà là Jazz Ballet. Tôi đã từng có thể xoạc và thực hiện được nhiều động tác khác nhau. Rồi tôi còn thử sức với hiphop, học hát opera, học nhạc pop, nhạc jazz, và thực sự thì tôi đã có cơ hội khám phá mọi thứ trên thế giới. Và điều đó khiến tôi cảm thấy mình thật may mắn. Nhờ có những suất học bổng mà tôi đã có đi suốt được những trải nghiệm này. 

Tôi có chính phủ Australia, gia đình, và trường học đồng hành với mình suốt chặng đường này. Tôi nhớ điều duy nhất mà những người này muốn tôi làm để đáp lại công ơn đó là hãy cho đi khi tôi còn có thể, và đó là tất cả những gì họ mong đợi từ tôi. Đối với tôi, đây là hành trình để cho đi, hành trình tạo ra một cộng đồng những người có cùng chí hướng, những người hiểu sức mạnh của sự sáng tạo và chia sẻ không chỉ giữa tầng lớp ưu tú mà còn với mọi trẻ em trên đất nước này. Đó là mục tiêu và cũng là ước mơ của chúng tôi.

Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ truyền cảm hứng này ngày hôm nay. Chúc anh sẽ đạt được những điều tốt đẹp nhất cho những dự án tương lai của mình!

Thanh Bùi nhận học bổng Chương trình lãnh đạo Eisenhower Thanh Bùi nhận học bổng Chương trình lãnh đạo Eisenhower

VTV.vn - Thanh Bùi là đại diện Việt Nam duy nhất sẽ có chuyến đi kéo dài từ 5 - 7 tuần tại Mỹ trong chương trình học bổng Chương trình lãnh đạo Eisenhower vào đầu năm 2017.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước