Nhạc sỹ Phạm Tuyên được mệnh danh là "người chép sử bằng âm nhạc" với hơn 700 trăm tác phẩm viết về nhiều mảng đề tại trong cuộc sống như hình ảnh người chiến sĩ, người lao động, các em thiếu niên nhi đồng,...
Trong lần trò chuyện mới đây nhất, người nhạc sĩ tài hoa và đáng kính Phạm Tuyên đã không ngại ngùng tiết lộ những câu chuyện vui, những kỷ niệm đáng nhớ về quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, cũng như đêm nhạc đầu tiên mà gia đình thực hiện dành tặng cho ông với tên gọi "Nhớ và quên".
Được biết gia đình ông đang chuẩn bị làm chương trình âm nhạc "Nhớ và quên" để tặng nhạc sĩ nhân sinh nhật lần thứ 88 vào ngày 14/1/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam. Xin ông cho biết một số điểm nhấn trong chương trình này?
Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi đã từng được các cơ quan đoàn thể tổ chức các đêm nhạc dành cho mình và tôi luôn tham gia với tư cách là khách mời. Trong các đêm nhạc hầu như tôi không biết ca sĩ nào và bài hát nào của tôi sẽ được chọn để hát trong chương trình.
Và trong đêm nhạc sắp tới đây vào ngày 14/1 này cũng vậy. Đây là lần đầu tiên con cháu trong gia đình tổ chức đêm nhạc dành cho tôi. Thật sự đến giờ phút này tôi cũng không biết rõ nội dung các ca khúc được chọn và các ca sĩ sẽ tham gia trong chương trình. Nhưng có một điều chắc chắn là đêm nhạc này không thể thiếu các ca khúc về thiếu nhi - mảng đề tài mà tôi vô cùng yêu thích và đã dành tâm huyết viết hơn 200 ca khúc trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình.
Nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ viết rất nhiều các ca khúc dành cho thiếu nhi và ông có còn nhớ bài hát đầu tiên mình sáng tác cho thiếu nhi là bài gì không?
- Ca khúc Trường cháu là trường mầm non là bài hát đầu tiên tôi viết về đề tài thiếu nhi. Tôi viết bài này để dành tặng con gái của mình lúc đó đang học mầm non. Tôi không ngờ bài hát của mình lại được nhiều người yêu thích đến thế. Đến bây giờ không chỉ lứa tuổi thiếu nhi, mẫu giáo mà ngay cả nhiều người đã lớn tuổi vẫn thuộc lòng ca khúc này.
Chính sự yêu mến của khán giả đã cho tôi động lực tiếp tục viết các ca khúc về thiếu nhi như Chiếc đèn ông sao, Bà còng đi chợ, Con chim chích chòe,... Tôi rất vinh dự khi được xác lập lỷ lục là người sáng tác nhiều bài hát dành cho thiếu nhi nhất.
Nhạc sỹ có biết vì sao đêm nhạc sắp tới lại có tên gọi Nhớ và quên?
- Thực ra tôi cũng bất ngờ khi ban tổ chức (BTC) đêm nhạc lấy tên là Nhớ và quên. Bởi thực ra Nhớ và quên là tên của một bài thơ của Hoàng Minh Châu viết tặng tôi. Bài thơ nói về cảm nghĩ của một người trải qua hai cuộc kháng chiến, vượt qua gian khổ để hướng tới lý tưởng cao đẹp.
Tôi cũng từng hỏi BTC là tại sao lại lấy tên là Nhớ và quên? Mọi người nói rằng: "Đến với đêm nhạc nhạc sỹ sẽ biết mình cần nhớ cái gì và cần quên cái gì".
Cảm xúc của ông trước khi đêm nhạc được diễn ra?
- Tôi rất xúc động bởi qua bao nhiêu năm, đến bây giờ các ca khúc của tôi vẫn có sức sống trường tồn cùng năm tháng. Đó là sự ghi nhận của đời sống dành cho những tác phẩm, những cống hiến bây lâu nay của tôi.
Vợ chồng nhạc sỹ Phạm Tuyên và các cháu.
Được biết cả cuộc đời nhạc sỹ đã miệt mài cống hiến mà không hề màng đến danh lợi. Vậy lý do gì khiến nhạc sỹ quyết định lúc này mới cho phép gia đình được tổ chức đêm nhạc Nhớ và quên và xuất bản cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của người vợ quá cố?
- Tôi đã đi qua hai cuộc chiến tranh và thấu hiểu được bao nhiêu nỗi đau của sự mất mát, hy sinh. Bây giờ tôi cũng đang sống những năm tháng còn lại của cuộc đời nên khi các con tôi đề xuất làm đêm nhạc tôi đã đồng ý. Nhưng tôi cũng nói rõ đêm nhạc này không phải là để giới thiệu tác giả, tác phẩm bởi mấy chục năm qua các ca khúc của tôi đã được đông đảo quân chúng biết tới.
Đêm nhạc này tôi muốn tri ân những khán giả đã yêu mến và từng hát các ca khúc của tôi. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người nghệ sỹ. Tôi rất xúc động khi được biết đêm nhạc sẽ được diễn ra trong không khí ấm cúng, giản dị và chân thật nhất, gợi lại quá khứ một thời của người nghệ sỹ cũng như lịch sử dân tộc.
Mặc dù tôi là nhạc sỹ nhưng tôi không bao giờ nhớ hết hoàn cảnh ra đời của tất cả các tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, mỗi khi tôi viết một sáng tác mới, người đầu tiên thẩm định chúng chính là vợ tôi - nhà tâm lý học Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Trong hai năm trời trước khi mất, vợ tôi đã viết cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế nhưng không cho tôi biết. Sau này vô tình phát hiện ra, vợ tôi đã nói là bà muốn ghi lại quá trình sáng tác của tôi để cho con cháu sau này được biết. Khi đọc tôi đã rất cảm động.
Sau này, khi vợ tôi mất con cháu mới muốn xuất bản cuốn sách bởi cuốn sách không chỉ có ý nghĩa với những người trong gia đình mà còn dành cho những người nghiên cứu âm nhạc, giáo dục, thậm chí là phụ huynh học sinh,...
Viết 700 tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau, vậy đề tài nào nhạc sỹ cảm thấy yêu thích nhất?
- Thật sự đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Tôi phải cảm ơn môi trường sống, làm việc đã cho tôi bắt gặp được nhiều cảm hứng để sáng tác. Trước đây tôi làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam sau này cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam. Chính môi trường báo chí này đã giúp tôi tiếp cận được với rất nhiều đề tài của xã hội. Khi tôi viết những tác phẩm này không phải để răn dạy gì ai mà viết dựa vào tình cảm của cá nhân mình đối với một vấn đề nào đó.
Bây giờ khi đã lớn tuổi, nhạc sỹ có còn muốn tiếp tục sáng tác?
- Tất nhiên là tôi rất muốn tiếp tục sáng tác nhưng tôi đã nhiều tuổi. Hơn nữa từ năm 80 tuổi trở đi, tôi lo lắng cho sự nghiệp âm nhạc của xã hội nhiều hơn. Một trong những trăn trở lớn nhất của tôi là hiện nay mảng sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi vắng bóng nhiều. NXB Kim Đồng đã 3 lần tái bản các sáng tác về thiếu nhi của tôi. Khi tôi hỏi vì sao thì họ bảo vì các ca khúc thiếu nhi thiếu quá nên vẫn phải dùng những bài này. Tôi nghĩ việc sáng tác cho thiếu nhi là trách nhiệm của thế hệ sau này. Tôi còn nhớ câu nói của vợ tôi: "Có 3 thảm họa lớn nhất của nhân loại đó là địch họa, thiên tai và trẻ con hư".
Khi tôi vào gặp một số nghệ sĩ, tôi có nói: "Trẻ con thiếu bài hát, sao mọi người không viết đi?". Các em cười cho biết: "Nhạc thiếu nhi khó bán lắm, không ai chuộng cả". Trong khi ngày xưa những bài hát tôi viết cho thiếu nhi cũng ở thời bao cấp, không hề có một lợi nhuận nào, nhưng chúng tôi vẫn làm vì trách nhiệm.
Cuộc sống hàng ngày của ông bây giờ ra sao?
- Tôi sống một mình, các con vẫn thường ghé qua thăm. Hàng ngày tôi vẫn giữ thói quen đọc sách, đọc nhiều, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, đọc đủ các loại, sách văn học, sách lịch sử và vẫn chơi đàn piano dù tay bây giờ tay cứng hơn nhiều.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của nhạc sỹ!