Nhiễu loạn tranh giả, tranh thật trên sàn đấu giá: Làm đúng quy trình vẫn lọt lỗ hổng?

Hải Yến - Minh Đức-Thứ sáu, ngày 13/11/2020 14:46 GMT+7

VTV.vn - Theo đại diện các sàn đấu giá, 4 bước cơ bản để thẩm định tranh được thực hiện theo đúng quy trình nhưng thực tế, hiện tượng nhiễu loạn tranh giả, tranh thật vẫn xảy ra.

Vấn đề tranh giả, tranh thật được coi là chủ đề nhức nhối vẫn chưa có lời giải đáp trong nhiều năm qua. Câu chuyện này thỉnh thoảng lại được đưa ra, khi có vụ việc bị phát hiện. Mới đây nhất, một số họa sĩ là con cháu của các cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Khang, cũng đã lên tiếng về những bức tranh bị mạo danh được đưa lên sàn đấu giá.

Theo phản hồi của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, bức tranh của bố anh đã bị giả mạo trên sàn đấu giá. "Lần này thì chắc chắn tranh giả mạo bố tôi. Tôi đã rất bình tĩnh để xem xét kĩ lưỡng. Những lỗi chưa sạch về dáng, bố cục, tỷ lệ giữa các nhân vật đều rất rõ. Ngay cả chất liệu cũng sai", họa sĩ Đức Hòa chia sẻ trong bài đăng phản hồi khi phát hiện sự việc.

Cũng trong bài đăng này, một họa sĩ khác là Quế Hương đã vô tình phát hiện tranh của ông mình cũng bị mạo danh. Trong khi đó, bức tranh tương tự đang được họa sĩ Quế Hương sở hữu.

"Tôi nghĩ là họ đã thiếu sót trong việc kiểm định tranh. Một bức tranh không được kiểm định rõ ràng mà đã được đưa lên trên sàn đấu giá và đã được định giá rồi. Tôi nghĩ đó là thiếu sót rất lớn của các sàn đấu giá", họa sĩ Nguyễn Quế Hương cho hay.

Trước những thông tin này, đại diện sàn đấu giá đã liên hệ với người thân của các cố họa sĩ. Theo đại diện sàn đấu giá, họ đã có đặt ra những bước thẩm định tranh kĩ lưỡng với 4 bước cơ bản. Việc trưng bày công khai được cho là một trong các bước trong quy trình thẩm định của sàn đấu giá này.

Anh Nguyễn Đỗ Sơn, Giám đốc điều hành của PI Aution house, chia sẻ: "Trưng bày công khai là một trong các bước thẩm định trước khi bán bức tranh rộng rãi. Ngay sau khi nhận được thông tin của họa sĩ Đức Hòa và các họa sĩ khác, chúng tôi tôi thẩm định lại và đã gỡ bỏ bức tranh khỏi trang đấu giá công khai".

Đối với hiện tượng tranh giả, tranh thật nhiễu loạn trên sàn đấu giá Việt Nam hiện nay, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng phần lớn phản ứng trong những vụ phát hiện tranh giả đến từ bản thân gia đình và các nhà nghiên cứu. Điều đó cho thấy tính tự phát và mang tính cá nhân trong những vụ việc này.

Mọi bước trong quá trình thẩm định tranh đều vẫn đúng quy trình cho tới khi những bức tranh mạo danh bị phát hiện. Tới khi nào sẽ chấm dứt tình trạng tranh giả, tranh thật?

Ở Việt Nam, cũng có một Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay số đơn gửi tới kiểm định vô cùng ít ỏi. Pháp luật cũng đưa ra những khung xử phạt cho hành vi sao chép, buôn bán tranh giả. Tuy nhiên, tranh giả vẫn tồn tại đan xen với tranh thật, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo đó, những nhà sưu tập, họa sĩ, giới nghiên cứu đã có những ý tưởng nào để hạn chế tình trạng trên, đặc biệt khi nạn sao chép tranh ngày càng trở nên tinh vi, gây khó khăn trong việc thẩm định.

"Hiện nay có những bức tranh có giá hàng tỷ đồng thì việc thẩm định là vô cùng quan trọng. Như cá nhân tôi, tôi tự đắt ra cho mình quy tắc đó là mua những bức tranh có giấy tờ lịch sử chuyển nhượng....", anh Hoàng Anh Tuấn, một nhà sưu tập tranh, cho hay.

Họa sĩ Phạm Tô Chiêm nhận đính chính các họa sĩ sẽ phải tìm cách chống việc sao chép, làm tranh giả. Thực tế, đối với giới họa sĩ, nhiều nhóm đã tự tổ chức các buổi thảo luận đi tìm câu trả lời cho bài toán khó này. Tuy nhiên, cũng chỉ là những biện pháp ngăn chặn trong tương lai. Còn với những tác phẩm đã có từ lâu, ngay cả gia đình cũng nhận thấy rủi ro trong quá trình thẩm định.

"Với những tác phẩm đã cũ, đến bản thân gia đình nhiều khi còn thất lạc tác phẩm. Rất khó để kiểm định xem thật giả thế nào", họa sĩ Nguyễn Quế Hương nói thêm.

In những kí hiệu riêng trên tác phẩm, chuẩn bị những hồ sơ tài liệu cho chính tác phẩm của mình, đó là những ý tưởng và những bước bảo vệ cho những tác phẩm hội họa. Bởi tranh giả, tranh thật không phải là câu chuyện của hôm nay, mà còn là của tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước