Cuộc giải cứu 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang (Nang Non), thuộc tỉnh Chiang Rai từ 23/06 đến 10/07 không chỉ là sự kiện chấn động truyền thông thế giới suốt mùa hè 2018 mà còn được xem là một trong những sự kiện nổi bật nhất của thập kỷ (2010-2019) vừa qua. Cuộc giải cứu thần kỳ này liên tục trở thành chủ đề "nóng hổi" của nhiều chương trình truyền hình từ chính luận đến tọa đàm, cho đến các bộ phim tài liệu trong một thời gian dài.
Nhưng đặc biệt hơn cả, đạo diễn Mỹ gốc Thái, một người làm phim tới từ quê hương Thái Lan đang hoạt động tại Hollywood - Tom Waller đã quyết tâm đưa chiến dịch giải cứu lịch sử này lên màn ảnh rộng với bộ phim The Cave (tựa Việt: Cuộc Giải Cứu Hang Tham Luang), kể câu chuyện từ góc nhìn của đội cứu hộ, những người anh hùng thầm lặng đã làm nên lịch sử. Sau khi được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới từ cuối năm 2019, sắp tới đây phim sẽ đến với khán giả Việt Nam đầu năm 2020 này.
Hãy cùng điểm qua những sự thật không ngờ đằng nỗ lực tạo ra một Cuộc Giải Cứu Hang Tham Luang chân thực, độc đáo và ấn tượng!
30 ngày ghi hình
Vào ngày 23/06/2018, sau buổi tập luyện, đội bóng nhí "Lợn Hoang" gồm 12 cậu bé từ 11 đến 16 tuổi và huấn luyện viên 25 tuổi cùng nhau thám hiểm hang Tham Luang (Nang Non), thuộc tỉnh Chiang Rai - hệ thống hang động lớn thứ tư Thái Lan, dài 10km với đường hẹp và hầm quanh co. Không may, trời đổ mưa lớn khiến nước ồ ạt tràn vào hang, khiến cả đội bị kẹt bên trong. Cuộc giải cứu chạy đua với thời gian bắt đầu. Tới ngày 10/7, 18 ngày kể từ khi cuộc tìm kiếm được phát động, tất cả 13 thành viên của đội bóng nhí Thái Lan đã được đưa ra khỏi Tham Luang an toàn.
The Cave (Cuộc giải cứu hang Tham Luang) được ghi hình trong tổng cộng 30 ngày suốt khoảng thời gian từ tháng 10/2018 tới tháng 1/2019
Chỉ 3 tháng sau đó, The Cave do Tom Waller đạo diễn chính thức bấm máy. Bộ phim được ghi hình trong tổng cộng 30 ngày suốt khoảng thời gian từ tháng 10/2018 tới tháng 1/2019. Các cảnh quay của phim được thực hiện ngay tại hang động Tham Luang, các khu vực lân cận ở tỉnh Mae Sai thuộc miền Bắc Thái Lan cùng một số địa danh khác tại cả Thái Lan, Ireland và xứ Wales.
Một tháng vận động hành lang để được sử dụng bối cảnh Tham Luang
Ban đầu, kế hoạch ghi hình ngay trong hang động Tham Luang nhằm truyền tải những thước phim chân thực nhất mà đạo diễn Tom Waller dự định không diễn ra thuận lợi. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia Thái Lan đã nhiều lần từ chối đề nghị của ông.
Bộ phim mất một tháng vận động hành lang để được sử dụng bối cảnh Tham Luang
Tuy nhiên, là một nhà làm phim giàu kinh nghiệm của Hollywood, đã từng tham gia sản xuất nhiều phim lớn, trong đó có bom tấn Mechanic: Resurrection - Sát thủ "Thợ máy" năm 2016, đạo diễn Tom Waller và ekip của mình đã dành ra một tháng vận động hành lang, thậm chí nhờ tới sự hỗ trợ của Bộ Văn Hóa Thái Lan để đạt được mục tiêu, ghi hình trong chính hang Tham Luang, nơi đã diễn ra sự kiện chấn động thập kỷ.
35 ngày - Thời gian để tái hiện địa điểm trú ẩn của đội bóng
Ngoài đời thực, khi nước tràn vào hang động, cả đội bóng 12 thành viên và huấn luyện viên buộc phải đi sâu vào trong, trú ngụ trên một mỏm đá nhỏ khô ráo, cách cửa miệng hang 4km nhưng bị nuốt chửng bởi ngọn núi khổng lồ và bị bóng tối bủa vây.
Ekip sản xuất bắt tay tìm kiếm một địa điểm có cấu trúc đủ vững chắc để chứa một khối lượng nước lớn, và cuối cùng phát hiện ra một khu liên hợp thể thao bị bỏ hoang nằm ở ngoại ô của Bangkok. Ở đây có sẵn một bể bơi được thiết kế theo đúng chuẩn Olympic. Cả nhóm dành hơn 5 tuần để dựng lên một bệ xi măng mô phỏng phiến đã nơi mà các thành viên của đội bóng được tìm thấy. Bể bơi lớn được bơm đầy nước và cảnh quay diễn ra trong suốt đêm để đảm bảo được độ tối cần thiết của phân cảnh.
Các thợ lặn kiêm diễn viên, trợ lý đạo diễn và rất nhiều thành viên khác của đoàn làm phim đã đứng ngâm mình trong nước trong lúc quay phim cầm máy quay ArriAlexa được bọc cẩn thận lội xuống nước, thậm chí là đặt máy quay xuống nước, để tái hiện lại sự âm u, tối tăm của làn nước.
4 trong tổng số 18 thợ lặn trực tiếp giải cứu các cầu thủ nhí tham gia bộ phim
Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch giải cứu hang Tham Luang, có tổng cộng 18 thợ lặn chuyên nghiệp, gồm 5 người Thái và 13 người tới từ các quốc gia khác, trực tiếp tiến vào hang Tham Luang để đưa các cậu bé và huấn luyện viên ra ngoài. Trong số 18 người anh hùng phi thường đó, 4 người đã đồng ý tham gia bộ phim, gồm Jim Warny (Bỉ), Erik Brown (Canada), Đàm Hiểu Long (Trung Quốc) và Mikko Paasi (Phần Lan):
Jim Warny là một thợ lặn hang động chuyên nghiệp với 20 năm kinh nghiệm. Hiện tại, anh đang là kỹ sư turbine của Lufthansa Technik. Jim được Hiệp hội giải cứu hang động Anh quốc triệu tập để hỗ trợ trong công tác giải cứu 12 thành viên và huấn luyện viên của đội bóng nhí Thái Lan.
Hướng dẫn viên bộ môn lặn tới từ Vancouver, Canada - Erik Brown là một thành viên của nhóm giải cứu, đã liều lĩnh vượt qua vô số trở ngại và khó khăn trong hang động ngập nước để giải cứu 12 thành viên nhí của đội bóng Lợn Hoang và huấn luyện viên. Anh từng thành lập Blue Immersion – trường dạy lặn kỹ thuật tại Ai Cập. Anh cũng là chuyên gia lặn người Bắc Mỹ duy nhất tham gia chiến dịch giải cứu này, và hiện đang giảng dạy bộ môn này tại đảo Koh Tao nằm ở phía Nam Thái Lan.
Đàm Hiểu Long là huấn luyện viên bộ môn lặn hang động kiêm chuyên gia cứu hộ dày dạn kinh nghiệm, gia nhập nhóm giải cứu sau khi một trong những học viên của anh từ Quỹ Peaceland gọi điện thông báo nhóm của họ đang trên đường bay sang Thái Lan hỗ trợ chiến dịch giải cứu đội bóng nhí.
4 trong tổng số 18 thợ lặn trực tiếp giải cứu các cầu thủ nhí tham gia bộ phim
Mikko Paasi là đồng sáng lập của trung tâm lặn trên đảo Koh Tao ở Thái Lan. Vào ngày 02/07/2018 – thời điểm mà các cậu bé và huấn luyện viên của họ được tìm thấy và còn sống sót, anh lập tức bay từ Malta sang Thái Lan để gia nhập đội cứu hộ, góp sức đưa các thành viên ra ngoài.
Có lẽ tính chân thực đầy xúc cảm, chạm tới trái tim của người xem quả thực là thành quả ngọt ngào mà đạo diễn Tom Waller đã gặt hái được sau nhiều nỗ lực của mình. Khán giả được sống trong những cảm xúc mà chính người trong cuộc đã trải qua, những giờ phút sinh tử, những khoảnh khắc từ hy vọng chuyển sang thất vọng, thậm chí tuyệt vọng, rồi lại hy vọng xen lẫn nỗi sợ hãi. Và hơn cả, phim không chỉ tái hiện một sự kiện lịch sử, nó còn thắp lên lòng trắc ẩn và hy vọng không thể dập tắt nơi cuối "hang động" tăm tối.
The Cave - tựa phát hành tại Việt Nam Cuộc giải cứu hang Tham Luang sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt từ ngày 3/312020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!