Từ một trận cầu kỳ lạ
Có thể nói ấn tượng đầu tiên ở Những thành phố tôi yêu đó là câu chuyện bó chặt trong thế giới của những cậu con trai. Gọi như vậy bởi ngay cả người lớn tuổi nhất đó là Nam - thầy giáo mới 24 tuổi -nhưng đã có kinh nghiệm 2 năm dạy học được giao tiếp quản lớp 11C, nơi có vỏn vẹn 5 cậu con trai, mỗi cậu lại có một hoàn cảnh xuất thân và một tính cách khác biệt.
Người trưởng thành từ New Zealand xa xôi, người sinh ra lớn lên ở Hà Nội, người hài hước hay bông đùa, người bộc trực thẳng tính, kẻ lầm lì ít nói… tất cả tụ họp trong một lớp học nằm giữa lòng Sài Gòn. Tưởng như là những mảnh ghép rời rạc, nhưng bằng một chất keo thần kỳ nào đó, "đội bóng lắp ghép" này đã lọt tới tận trận chung kết để gặp đối thủ nặng ký - lớp 11A.
Với giọng văn khá thông minh, hài hước, chỉ bằng những diễn biến trên sân cỏ, Ngô Đặng Thái Sơn đã xây dựng một cốt truyện buộc người đọc phải tập trung theo dõi từ đầu đến cuối. Nói như tác giả, thì "với phái mạnh, đá bóng không phải một môn thể thao, đó là cả một tôn giáo". Mọi hỉ, nộ, ái, ố ở bên ngoài sân cỏ sẽ tan biến, cả đám con trai lao theo trái bóng hòng một mục tiêu là đưa vào lưới đối phương. Trong không khí căng thẳng nơi ai cũng muốn thắng, một nghi án bán độ nổ ra, có nguy cơ chia rẽ một tập thể vốn rất đoàn kết, gắn bó.
Ở đây, vượt qua câu chuyện trái bóng tròn, đó là thử thách về lòng tin giữa thầy và trò, giữa những cậu con trai mới lớn, về tính trung thực và dám nhận trách nhiệm… Từ câu chuyện của những cậu học trò, người đọc nhận ra mình cũng từng trải qua những phút bồng bột, nông nổi, đánh mất mình của tuổi trẻ, để rồi cuối cùng thấy thật may mắn có những người bạn tốt ở cạnh bên.
Mặc dù là một câu chuyện dành cho lứa tuổi học trò, nhưng tác giả không cố tình xây dựng một cái kết "trong mơ" mà để nó thuận theo lẽ tự nhiên, khi mà các nhân vật đều cố gắng hết mình để không hổ thẹn với lương tâm, dù kết quả thế nào cũng có thể ngẩng cao đầu mà chấp nhận.
Cẩm nang văn hóa hai miền
Trong cuốn sách này, người đọc có thể nhận ra những lát cắt thú vị giữa hai miền Nam - Bắc, được kể bằng giọng điệu nhẩn nha, hài hước nhưng không hề châm chọc, chẳng làm ai mất lòng. Chẳng hạn, nói về văn hóa "nhậu", cậu bé Sơn có nhận xét rất tinh tế và thú vị: "Ở Hà Nội, phần lớn mọi người khi mời nhau sẽ vì một lý do rất rõ ràng, có chủ đích.
Nếu không phải là vì chuẩn bị chốt một dự án mới thì cũng là để chúc mừng con của một ai đó thi đỗ vào cấp hai". Và nội dung dù có xiên vẹo sang chuyện khác thì cuối cùng cũng quay lại chủ đề chính, giống như một cái cây có nhiều nhánh.
Còn ở Sài Gòn thì quên cái cây ấy đi. Vì đơn giản là người Sài Gòn thì chẳng vì lý do gì cũng có thể ngồi với nhau và câu chuyện thì toàn xoay quanh chuyện mang tầm vóc "vi mô".
Hay đơn giản chỉ là cách bông đùa, pha trò của mỗi miền. Hay giả dụ như ở miền Bắc, các câu chuyện cười, nói mỉa, chém gió… phần nhiều luôn có những ý nghĩa sâu xa, đòi hỏi người nghe cần phải có một mức độ suy nghĩ nhất định mới có thể hiểu được, thì ở Sài Gòn sự hài hước thường rất đơn giản, rõ nghĩa.
Tác giả nhận định: "Nếu như sự hài hước của người Hà Nội là một mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất, cần phải khai thác mới "lộ thiên", thì Sài Gòn lại là những vụn vàng li ti nằm rải rác trên mặt đất". Ngay đến cách phát âm của người Bắc và người miền Nam cũng được tác giả mổ xẻ bằng những phân tích, nhận định rất "láu" khiến người đọc không nhịn được cười.
Không có những tình tiết gây sốc, không chạy theo những tình huống éo le, Những thành phố tôi yêu vẫn là bức tranh nhiều màu sắc, đầy kịch tính và lôi cuốn. Ở đây, người đọc dễ dàng tìm thấy hương vị của Kính vạn hoa, với câu chuyện của lứa tuổi học trò vô tư, hồn nhiên, tràn đầy năng lượng và sự tươi mới. Xuyên suốt là sự tận tâm của thầy giáo trẻ, người luôn ý thức "khum tay bưng ngọn lửa đang cháy trong đầu mình đi thắp sáng cho những cây nến vẫn còn nguyên dây bấc".
Mặc dù có một chút tiếc nuối với cái kết hơi nhanh, tuy nhiên, đây vẫn là một trong những cuốn sách đáng đọc dành cho lứa tuổi mới lớn, trong bối cảnh thị trường đang tràn ngập những tác phẩm dễ dãi, đọc rồi quên nhanh.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!