Nóng trở lại câu chuyện quản lý tiền công đức

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/01/2024 15:00 GMT+7

VTV.vn - Dù đã có những quy định cụ thể trong quản lý tiền công đức tại các di tích nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều bất cập.

Một mùa lễ hội lại sắp bắt đầu, vấn đề tiền công đức tại các di tích tiếp tục là mối quan tâm của đông đảo người dân. Bởi khi người dân đã tin tưởng trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín.

Trước đây, việc quản lý tiền công đức trông chờ hết vào tinh thần tự kiểm. Nhưng kể từ ngày 19/3/2023, khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính có hiệu lực, công tác này đã được điều chỉnh bởi những quy định có tính pháp lý. Sau hơn 10 tháng đi vào thực tế, việc thực hiện các quy định vẫn còn nhiều thách thức.

Thông tư 04 quy định khi tiếp nhận tiền công đức, đơn vị tiếp nhận phải mở một tài khoản ở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Với việc tiếp nhận tiền công đức bằng tiền mặt, Thông tư cũng yêu cầu các thực hiện ghi chép số tiền đã nhận, kiểm đếm và báo cáo tổng số tiền nhận được định kỳ. Các khoản tiền tạm thời chưa sử dụng sẽ được gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo quản lý an toàn, minh bạch.

Với những nội dung chi tiết, hướng dẫn cụ thể, Thông tư 04 được kỳ vọng là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần quản lý minh bạch tiền công đức tài trợ. Thực tế, tiền công đức ở nhiều nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu tính minh bạch, công khai. Mới đây nhất, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi. Nhiều năm qua, ở đây diễn ra hiện tượng khoán tiền công đức cho hộ gia đình.

Tổng hợp từ báo cáo của 221 di tích tại Quảng Ninh, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng. Từ tiền lẻ gom thành tiền tỷ, rõ ràng trong bối cảnh các di tích đang cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, tiền công đức tài trợ thực sự là nguồn tài chính quan trọng. Chính vì vậy, dù xác định công tác quản lý còn nhiều thách thức, nhưng các địa phương vẫn đang rất nỗ lực để quản lý hiệu quả.

"Để quản lý tốt nguồn lực này, bên cạnh những quy định về quản lý tài chính thì cần tinh thần trách nhiệm, công tâm của con người, đặc biệt là những người được giao trực tiếp quản lý nguồn lực", bà Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình chia sẻ.

Nhiều hình thức kêu gọi tiền công đức tài trợ phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Những vụ việc tranh cãi thất thoát tiền công đức xảy ra, để lại bài học về quản lý nguồn tài chính này. Thực tế, nguồn thu công đức tài trợ bên cạnh sử dụng để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa thì còn được sử dụng trong các hoạt động cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ý nghĩa tốt đẹp của hai từ công đức vì vậy sẽ ngày càng được bồi đắp vững bền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước