Quốc Trung và Thanh Lam đều là những nghệ sỹ tài năng của làng nhạc Việt. Dù không còn sống chung dưới một mái nhà, nhưng cặp đôi nghệ sỹ này vẫn song hành trong các dự án âm nhạc chất lượng.
Nhìn lại sự song hành, tương hỗ trong công việc giữa hai người, Thanh Lam từng thẳng thắn: “Hết duyên thì vẫn còn… nợ. Tôi và nhạc sĩ Quốc Trung sẽ và vẫn luôn đồng hành vì còn chung nhau sự nghiệp và tương lai của các con”.
‘ Nhạc sỹ Quốc Trung từng ngăn cản con trai út Đăng Quang biểu diễn trong liveshow "Người đàn bà yêu" của Thanh Lam
Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến con cái đều cần có sự đồng thuận của cả hai người. Cách đây không lâu, Thanh Lam có ý định cho con trai út Đăng Quang lên sân khấu "Người đàn bà yêu" của mình, nhưng sau phải từ bỏ vì nhạc sỹ Quốc Trung không đồng ý.
“Không phải bố tôi phản đối mà chính là tôi ngăn cản Đăng Quang biểu diễn trong chương trình của Lam. Mang dân piano cổ điển lên sân khấu nhạc nhẹ không ăn nhập với nhau, không theo ý tưởng nào thì mang làm gì?”, Quốc Trung chia sẻ trước ý kiến cho rằng anh quá khắt khe.
Đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình truyền hình về những ca khúc đi cùng năm tháng - Giai điệu tự hào - nhưng nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhất định từ chối khi có lời gợi ý đưa con gái yêu Thiện Thanh, sinh viên khoa thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia, lên sân khấu của mình biểu diễn.
‘ Nhạc sĩ Quốc Trung
Dù Thiện Thanh đang theo học thanh nhạc, được ông nội - NSND Trung Kiên - kèm cặp và chất giọng đáng khen ngợi, nhưng Quốc Trung nhất quyết không đồng ý để con gái biểu diễn trong chương trình này.
“Tôi không bao giờ đồng ý chuyện đó. Thứ nhất là cháu còn nhỏ, chưa có đủ sự trưởng thành, bản lĩnh đủ để biểu diễn trên sân khấu lớn. Thứ hai, quan trọng hơn là công việc. Tôi nghĩ tất cả các nghệ sỹ tham gia chương trình đều có sự bình đẳng và có yêu cầu nhất định về chuyên môn phù hợp. Đây không phải là sân khấu quy mô gia đình để mang con cái, cô bác, chú dì lên biểu diễn được. Tôi rất kỵ điều này!”, anh thẳng thắn.
Vị nhạc sỹ tuổi ngựa cũng… gạt phăng những lời đồn thổi về thu nhập “cát- sê khủng” của mình khi đảm nhận vai trò HLV The Voice, cũng như giữ vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình truyền hình Giai điệu tự hào. Anh nói: “Người ta cứ nghe hơi nồi chõ rồi đồn đoán 1 thành 10 vậy thôi, có mấy người nói “khủng” mà biết cụ thể tôi nhận được bao nhiêu đâu? Tiền cát -sê cũng chỉ là phần phụ”.
Để khẳng định về nguồn thu nhập không hề… “khủng” như lời đồn đoán, Quốc Trung không giấu diếm về những “công việc tay ngang” như lúc thì anh xuất hiện với hình ảnh ông già Noel quảng cáo cho một hãng rượu, khi thì chụp ảnh cho nhà hàng của Pháp…
“Với những công việc tay ngang, tôi không muốn nhắc nhiều đến nó, chỉ muốn nói nghệ thuật không thể cứ vị nghệ thuật mãi được. Ở Việt Nam mình, ngoài ca sỹ, chẳng ai làm nghệ thuật mà giàu có được! Bao show khác tôi làm, lần nào cũng phải bù lỗ. Vậy thì muốn làm các dự án nghệ thuật cho tử tế, đàng hoàng thì phải đầu tư từ những công việc tay ngang kia thôi”.
Và đối với Quốc Trung, Giai điệu tự hào là dự án nghệ thuật tử tế anh đang đam mê đầu tư nhiều công sức. Từng sáng tạo với pop, rock hay world music… giờ là nhạc cách mạng, Quốc Trung không nề hà gian khó.
“Người làm nghệ thuật chuyên nghiệp không giới hạn mình ở phong cách, trường phái nào cả. Với dòng nhạc nào tôi cũng có thể thỏa sức vùng vẫy sáng tạo. Hơn nữa các ca khúc xuất hiện trong dự án mới này của tôi lại toàn là ca khúc kinh điển, không riêng gì tôi mà rất rất nhiều người dân Việt Nam yêu, thuộc lòng và lớn lên cùng các ca khúc ấy vậy nên tôi không thấy bất cứ điều gì gọi là khó hay thử thách cả.
Trái lại, tôi rất hào hứng khi bắt tay vào dự án này. Mỗi khi làm nhạc cho ca khúc nào đó, bên cạnh sự tỉnh táo của người làm nghề còn là sự hồi tưởng cả tuổi thơ lê la theo bố mẹ, ngồi trong cánh gà nghe bố mẹ, các cô các chú trong đoàn thể hiện ca khúc ấy”.
Quốc Trung cho biết, bên cạnh những ca khúc buộc phải giữ nguyên linh hồn, hơi thở cũ, cũng có ca khúc để anh thử nghiệm, làm mới. Như ca khúc Tiến lên chiến sĩ đồng bào, anh đưa cả rap, hiphop vào. “Âm nhạc dù cho được thể hiện bằng phong cách nào đi chăng nữa thì cái quan trọng nhất vẫn ở tính lay động của âm nhạc. Người nghe thấy được cảm xúc trong các tác phẩm, đó là thành công rồi” - anh chia sẻ.
Trước câu hỏi, "Theo NSND Trung Kiên, việc nhận vị trí HLV The Voice là quyết định sai lầm của anh. Vậy với chương trình lần này, anh và NSND Trung Kiên đứng chung sân khấu - bố làm khách mời bình luận, con làm nhạc hẳn là hai bố con đã tìm được tiếng nói chung?", vị nhạc sỹ trả lời không né tránh.
Anh quả quyết: “Tôi coi chuyện cha mẹ nhận xét, góp ý về công việc với con cái chỉ là một trong những ý kiến tham khảo thôi còn khi đứng trước những lời mời cộng tác nào đó, yếu tố đầu tiên tôi suy xét là nó có phù hợp với mình không, mình có thực sự thích và làm tốt được hay không thì mới nhận lời.
Với chương trình lần này, tôi có một lợi thế hơn một chút so với các công việc khác là bố tôi ủng hộ nhiệt tình nhưng sự ủng hộ đó cũng chỉ là một phần nhỏ, giúp tôi tập trung hơn với những gì mình đang làm”.