Chia sẻ lý do về điều này, tác giả của Bốn chữ lắm nói: "Rất nhiều người thấy lạ khi thấy Thắng luôn bảo rằng không thích viết những bản ballad lãng mạn dù Thắng được mọi người yêu quý ở những bản tình ca đó. Lý do rất đơn giản là vì Thắng thấy viết ballad khó lắm".
"Cái khó ở đây không phải ở nhịp phách hay khúc thức, không phải ở chủ đề mà là ở độ thật và độ cảm của bản thân" - Phạm Toàn Thắng nói tiếp - "Giữa một công thức cũ, một tiết tấu cũ, làm sao để nó khác, để nó riêng tư là một chuyện mà con người cần thời gian và trải nghiệm".
"Cuộc đời còn nhiều tiết tấu khác, những âm thanh khác, cứ để người viết và người hát tung tẩy với nhịp sống của bản thân, cũng như người nghe đừng giới hạn mình ở một cảm giác nghe nào cả" - Phạm Toàn Thắng tiếp tục - "Con người chúng ta rất tầm phào, cảm xúc lên xuống như một bản đồ hình sin... Vậy thì âm nhạc cũng thế. Chúng ta cần Hip-hop, cần R&B, cần Rock, cần EDM, cần Blue Jazz và cần những tiết tấu khác nữa vì mỗi dòng nhạc có một cách thể hiện riêng, một tiếng nói của riêng mình".
Sau chia sẻ trên, tác giả của hit Bốn chữ lắm, Dấu mưa… nói tiếp: "Thắng đã từng rất buồn khi nghe được một số người bảo rằng âm nhạc lãng đãng, chậm rãi mới là sâu sắc, còn những gì tiết tấu trẻ trung là nhạc xập xình, thị trường. Điều đó rất sai, quá sai".
"Trung thực với cuộc sống chúng ta, trẻ trung và tận hưởng nó theo đúng độ tuổi của chúng ta mới là sâu sắc. Cảm nhận tình yêu của tuổi 18 vốn dĩ cũng sâu sắc như khi ở độ tuổi 30 vì nó sẽ chẳng bao giờ lặp lại một lần nào trong đời".
"Tôn trọng, hiểu biết, chọn lọc và tận hưởng cách thể hiện của mỗi dòng nhạc mới là một người nghe sâu sắc" - Phạm Toàn Thắng nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!