Nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 tại tuyến lửa Quảng Bình. Mới 8 tuổi, Hoàng Hiếu Nhân đã có những bài thơ được nhiều người biết đến. Năm 1969, khi mới 10 tuổi, Hoàng Hiếu Nhân đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Nhà thơ Phạm Hổ, nhà phê bình Hoài Thanh đã có những bài bình thơ của Hoàng Hiếu Nhân trên báo Văn nghệ. Một tập thơ in chung của Hoàng Hiếu Nhân, Trần Đăng Khoa và một số nhà thơ nhỏ tuổi khác đã được dịch và phát hành ở Pháp.
Vào những năm 1964-1974, thời kỳ nhân dân Việt Nam đang khát khao thống nhất đất nước, cùng với thần đồng Trần Đăng Khoa, nền thi ca thiếu nhi Việt Nam bừng sáng với các nhà thơ nhỏ tuổi như Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh và Hoàng Hiếu Nhân.
Không giống Trần Đăng Khoa, được làm thơ từ khoảng không gian êm đềm là “góc sân và khoảng trời” của mình, Hoàng Hiếu Nhân mới 8 tuổi đã phải rời xa gia đình, quê hương đi sơ tán tận Vĩnh Phúc. Nỗi thương nhớ mẹ của một cậu bé xa quê có lẽ đã khiến nhà thơ bé viết nên những dòng thơ mang một vẻ đẹp nhiệm màu, vĩnh cửu.
Thơ Hoàng Hiếu Nhân là những xúc cảm tự nhiên được cất lên từ sâu thẳm một tâm hồn nhạy cảm. Tuy nhiên đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, thơ Hoàng Hiếu Nhân có “ngôn ngữ chắt lọc”“cấu tứ chặt chẽ”“rất sắc sảo và thông minh”.
Hoàng Hiếu Nhân sử dụng nhuần nhuyễn hầu hết các thể thơ của Việt Nam để diễn đạt cảm xúc một cách trọn vẹn và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Thể lục bát mềm mại khi gợi nhắc những kỉ niệm êm đềm trong “Bà ngoại”, “Tiếng chim”, “Dòng sông”, “Con cò”… . Thể thơ bốn chữ, năm chữ thể hiện nét trong trẻo hồn nhiên của trẻ thơ trong “Vườn cây”, “Những chiếc hôn”, “Trăng”, “Hà Nội”, “Biển”… Và thể thơ tự do với cách ngắt nhịp mạnh mẽ thể hiện sự chín chắn trong suy nghĩ, đanh thép trong phát ngôn ở “Bọn trẻ quê em”, “Em làm bộ đội”, “Đánh giặc”…; những vần thơ tự do thể hiện cảm xúc nhớ thương, da diết “Em tôi”, “Tiếng ve”…, và những vần thơ giàu chất suy tưởng trong “Mặt trời”…
Nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân qua đời tháng 2 năm 2014. Dẫu chỉ có chừng 10 năm dành cho thơ ca nhưng những bài thơ hồn hậu, thuần khiết của Hoàng Hiếu Nhân vẫn khiến người yêu thơ lưu luyến.
Nhà thơ Mai Văn Hoan nhận định: “Nhân có gần 10 năm cống hiến, để lại hơn 30 bài thơ và trở thành một trong hai “ông hoàng” của thơ ca thiếu nhi Việt Nam đương đại – điều mà không phải cậu bé nào ở lứa tuổi của Nhân cũng làm được… những vần thơ hay của Nhân sẽ sống dài lâu trong lòng những người yêu thơ. Và không thể không khẳng định rằng, bằng tài năng thiên phú của mình, Hoàng Hiếu Nhân đã góp phần làm nên diện mạo của thơ ca thiếu nhi Việt Nam…”
Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản những tập thơ của các nhà thơ gạo cội Việt Nam, những bài thơ quen thuộc nằm lòng với nhiều thế hệ thiếu nhi: “Ai dậy sớm” (Võ Quảng), “Những bài thơ nho nhỏ” (Phạm Hổ), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Con muốn mặc áo đỏ đi chơi” (Phan Thị Thanh Nhàn).