Tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc và thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đã nhiều lần được phản ánh, nhưng vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp. Trên các website, ứng dụng, rồi mạng xã hội nhan nhản hình ảnh người nổi tiếng, hay các ông lang bà lang tự xưng "nhà thuốc gia truyền", "thần y" quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mãn tính, trong khi các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép. Nhiều người cả tin đã mua dùng, để rồi tiền mất tật mang. Cơ quan quản lý hiện chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả để ngăn chặn.
"Bất kể hành vi nào là quảng cáo khi chưa có giấy xác nhận hoặc là khác với nội dung của giấy xác nhận thì đều là vi phạm pháp luật. Văn bản cũng đã có chế tài rất đầy đủ, tuy nhiên thời gian vừa qua vấn đề quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng còn có những cái khó khăn nhất định là do sự bùng nổ của các công nghệ công nghệ số", bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay.
Theo quy định của Luật Dược, tất cả các thuốc trước khi quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được dùng các từ như: hàng đầu, số 1, tốt nhất, điều trị tận gốc, khỏi hẳn, đảm bảo 100%. Không được sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế để khuyên dùng thuốc. Mức xử phạt cũng đã được quy định lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn trong xác định danh tính, hành vi phạm tội vì những quảng cáo này đa phần xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Trên thực tế, những video quảng cáo thuốc vi phạm nghiêm trọng chính sách của tất cả các nền tảng mạng xã hội. Theo chính sách của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. Google cũng cho biết các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Nhưng trên mạng xã hội cũng tràn lan các hướng dẫn cách lách luật để có thể chạy quảng cáo cho những sản phẩm này.
Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống phần mềm phát hiện các quảng cáo sai sự thật. Để phát hiện sai phạm là không khó. Tuy nhiên để xử phạt lại không dễ dàng. Bởi lẽ nhiều quảng cáo được phát tán từ máy chủ đặt ở nước ngoài, cơ quan chức năng phải gửi yêu cầu xử lý thông qua nền tảng mạng xã hội chứ không xử phạt trực tiếp được.
Các đơn vị khi phát hiện những cái quảng cáo nghi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến vấn đề về y tế thì sẽ gửi qua cho cơ quan chức năng của bộ y tế xác minh. Sau đó, nếu khẳng định là sai phạm thì chúng tôi sẽ yêu cầu Youtube, Tiktok có một thuật toán để ngăn chặn hàng loạt những cái nội dung tương tự như vậy", ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Thời gian qua, dư luận cũng không khỏi bức xúc trước hiện tượng nhiều người nổi tiếng, nhất là diễn viên, ca sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật thông qua hình thức livestream. Tuy nhiên, hiện tại luật pháp Việt Nam chưa có chế tài xử phạt với hình thức quảng cáo này.
Nhìn ra thế giới, quảng cáo được xem là nguồn thu lớn cho các nghệ sĩ, vì vậy nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp cứng rắn. Nhiều ngôi sao quảng cáo sản phẩm dễ dãi, sai sự thật bị công chúng tẩy chay, thậm chí vướng vòng lao lý và mất cả sự nghiệp.
Quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật. Nhưng quảng cáo sai lệch về thuốc, thực phẩm thì nguy hại hơn gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người. Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm của nghệ sĩ, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đang trong quá trình hoàn thiện, với nhiều đề xuất siết chặt giám sát người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Nhưng để ngăn chặn các quảng cáo "thần dược", "danh y" làm nhiễu loạn thị trường thì cần giải pháp chấn chỉnh nền tảng mạng xã hội mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!