Trong hội nghị diễn ra sáng nay (14/4) đã đề cập thực trạng nghệ thuật biểu diễn hiện nay đang thiếu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, nghệ thuật, chính trị, kinh tế... Hơn nữa, nghệ thuật biểu diễn ngày càng được sử dụng rộng rãi dưới nhiều hình thức, có sự giao thoa hòa trộn các loại hình nghệ thuật biểu diễn thay vì một khung phân loại cứng nhắc theo truyền thống, đòi hỏi phải hiểu luật và các thể thể chế thị trường, đảm bảo hơn nữa bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Do vậy, cần xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn (thời gian 2015 – 2017). Đồng thời xây dựng, sửa đổi, bổ xung Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu ngay trong năm 2015 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hình ảnh một buổi biểu diễn pha trộn nhiều loại hình nghệ thuật của nghệ sĩ Đào Anh Khánh.
Quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm ưu tiên bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, cũng như tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng và phát triển các loại hình biểu diễn nghệ thuật hiện đại, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tăng cường quảng bá các chương trình, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị việc xây dựng văn bản pháp quy cần phải đẩy nhanh ngay khi được Chính phủ phê duyệt, nếu không sẽ không đi vào đời sống, bởi nghệ thuật biểu diễn vốn đa dạng, phức tạp với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.