Số hóa nghệ thuật truyền thống: Người trẻ đưa nhà hát đến người trẻ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 16/06/2023 13:13 GMT+7

VTV.vn - Chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 16/6 là ứng dụng chuyển đổi số vào nghệ thuật truyền thống.

Trong những năm đại dịch COVID-19, nghệ thuật truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thực hiện hình thức phát trực tuyến các sự kiện nghệ thuật. Khi đó, chuyển đổi số trong nghệ thuật truyền thống chỉ là phép thử. Đến nay, nhiều nhà hát đã coi đây là một trong những kênh hiệu quả để đưa nghệ thuật truyền thống đến đông đảo người xem, nhất là người trẻ.

Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới 2030, Bộ VHTT-DL đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Nhiều tác phẩm sân khấu được số hóa đã và đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng.

Theo kế hoạch, sẽ có nhà hát trên Youtube với sự tham gia của 12 nhà hát trực thuộc quản lý của Bộ VHTT-DL, cùng nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài có thêm cơ hội thưởng thức các tác phẩm.

Nghệ thuật dân gian, những giá trị văn hóa vốn được lưu truyền qua hình thức truyền khẩu, biểu diễn cũng đã có bước chuyển đổi số mạnh mẽ để thích hợp với thời đại 4.0. Hành trình đó đang được các bạn trẻ sáng tạo, mang đến diện mạo mới. Ở nhiều nhà hát, nghệ sĩ đã kết nối với nhóm bạn trẻ có tên gọi Trường ca kịch viện, với mục tiêu mang nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến gần hơn với giới trẻ.

Vừa qua, Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Ngoài việc đăng tải nội dung lên các trang mạng xã hội, việc xây dựng nền tảng riêng để giới thiệu và thu hút công chúng trực tiếp tham gia sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật truyền thống là hướng đi hiệu quả, tiếp sức nghệ thuật truyền thống trong nhịp sống đương đại.

"Nghệ thuật tuồng, bài chòi… giờ lớp trẻ rất ít quan tâm đến. Hiện tại, chúng ta không thể tách rời khỏi công nghệ đời sống số. Tôi nghĩ rằng những người ở miền Trung và Nam Trung Bộ có một app trong đó các nghệ sĩ bài chòi hát thì chắc chắn dù ở đâu thì cứ là người ở vùng đấy đều sẽ nhảy vào app đó. Chúng ta phải để họ thấm, tạo thành thói quen để ý và yêu quý nó đã", TS Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chia sẻ.

Đời sống phát triển tạo ra nhiều thách thức cho nghệ thuật truyền thống. Nhìn ở khía cạnh tích cực, nếu trước đây nghệ thuật truyền thống được biết đến ở một nhóm người thì nay với công nghệ đã có thể lan tỏa đến nhiều người, với phạm vi lớn hơn nhiều lần. Vấn đề ở đây là làm thế nào để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê truyền thống, giỏi công nghệ bằng cơ chế chính sách, cùng với đó là chiến lược nghiên cứu, khuyến khích ý tưởng mới về giáo dục kiến thức di sản, đổi mới cách quảng bá nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, để giới trẻ gần gũi, hiểu và yêu tinh hoa nghệ thuật dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước