Tết xanh: Khi môi trường được nghỉ ngơi cùng con người

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 08/01/2023 13:00 GMT+7

VTV.vn - Khái niệm Tết xanh được nhắc tới nhiều trong vài năm gần đây để chỉ việc tiêu dùng bền vững trong dịp Tết.

Từ nay cho tới hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu mua sắm, tổ chức tiệc tùng nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc thức ăn bị bỏ thừa nhiều hơn, xả rác ra môi trường nhiều hơn. Trong khi con người được nghỉ ngơi thì môi trường sống phải oằn mình chịu đựng lượng rác thải tăng vọt và những tác động tiêu cực từ con người. Vào dịp Tết âm lịch năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 13.000 tấn rác thải rắn mỗi ngày, tăng gần 50% so với ngày thường. Tuy nhiên, thực trạng này sẽ thay đổi nếu mỗi người mua sắm và sử dụng vừa với nhu cầu. Trước thềm năm mới, xu hướng tiêu dùng cho một mùa Tết xanh ngày càng phổ biến. Tết xanh – Tết tiết kiệm cũng là chủ đề được phân tích trong chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng vào 8/1.

Với quan điểm Tết mỗi năm chỉ có một lần, đa số người dân được hỏi đều khẳng định có chi tiêu cho dịp Tết nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, nhìn những cây đào, quất bị bỏ ở bãi rác khi hết kỳ nghỉ Tết, dù trước đó có giá lên tới cả triệu đồng, khiến nhiều người xót xa.

Ở những năm tháng khó khăn, trong ký ức của nhiều người Tết là dịp để no đủ, bữa Tết có đầy đủ các món, những thứ đẹp đẽ nhất. Quần áo mới cũng phải để dành đến Tết mới diện. Nhưng nay khi cuộc sống đã đủ về vật chất, Tết đôi khi lại mang đến cảm giác dư thừa.

"Với xã hội khi có thêm nhiều của cải, đặc biệt hiện nay không còn đói như ngày xưa, thậm chí có gia đình còn đối diện với câu chuyện ăn nhiều hơn hay thừa dinh dưỡng, mỗi gia đình, với mỗi hoàn cảnh, với mỗi cộng đồng phải có sự dịch chuyển suy nghĩ về Tết. Khi có đầy đủ hơn về vật chất thì chúng ta có suy nghĩ về tinh thần, tạo cho mình thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, chăm sóc và trò chuyện với nhau…", bà Đỗ Văn Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng chia sẻ.

Khái niệm Tết xanh được nhắc tới nhiều trong vài năm gần đây để chỉ việc tiêu dùng bền vững trong dịp Tết. Nó chỉ việc ưu tiên sử dụng sản phẩm có thể tái chế, được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng bao nilon một lần khi đi chợ hay siêu thị hay tận dụng sản phẩm còn lại trong nhà cân đối sản phẩm mới mua sao cho không lãng phí. Những hoạt động của Tết xanh không quá khác biệt so với lối sống bền vững thông thường, song nó đặc biệt vì những đặc thù riêng gắn với dịp Tết cổ truyền.

"Tết xanh từ những điều đơn giản, nghĩa là giảm những tác động đến môi trường. Tôi mua sắm vừa đủ, làm gọn đồ dùng ngày Tết, tiết kiệm năng lượng…" – bà Đỗ Văn Nguyệt cho biết - "Là ngày nghỉ ngơi thì có thể đạp xe, chạy bộ, vừa rèn luyện sức khỏe vừa là cơ hội giảm sức ép môi trường. Tết xanh là dịp chiêm nghiệm một năm đã qua, chia sẻ những giá trị đó với con cái, họ hàng để xem có cách nào quan tâm đến nhau hơn, dành thời gian cho nhau và từ đó giảm tiêu dùng không cần thiết, giảm tác động đến môi trường. Quay lại Tết xanh là quay lại với những giá trị mà ông bà đã bao nhiêu năm nuôi dưỡng".

Tết là dịp lễ thiêng liêng và mang ý nghĩa tâm linh với người Việt. Với tinh thần ấy, mọi người thường làm những điều tốt đẹp để mang lại may mắn cho năm mới. Chọn Tết xanh không nằm ngoài mong muốn đó. Vui Tết với những cử chỉ đẹp để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng về tái chế và ưu tiên sử dụng sản phẩm bền vững, tốt cho sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước