Những tín hiệu khả quan từ phát triển công nghiệp văn hóa
Văn hóa không chỉ là lĩnh vực tiêu tiền. Đây là lĩnh vực được nhìn nhận tạo ra nguồn thu tốt. Minh chứng đã thấy rõ qua thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc đã rất thành công trong ngành công nghiệp này. Việt Nam đã công nhận khái niệm công nghiệp văn hóa nhưng vẫn còn phát triển ở mức độ khiêm tốn. Hai năm sau COVID-19, các hoạt động văn hóa đang dần hồi phục trở lại. Làm thế nào để ngành công nghiệp này có thể phát triển trong bối cảnh mới? Còn điểm nghẽn gì cần phải vượt qua? Những câu hỏi này đã được đưa ra phân tích trong chương trình Vấn đề hôm nay cùng khách mời GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia.
Việt Nam vừa có đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2016 - 2021. Trong 5 năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã bước đầu khẳng định được lợi ích kinh tế và xã hội.
2,68% là con số các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cho GDP trong năm 2015. Tới năm 2018, sau 3 năm triển khai Chiến lược, con số đóng góp là 3,61% GDP. Với doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.
"Nếu trong 3 năm Việt Nam tăng tốc được như vậy thì đó là điều đáng mừng, cho thấy tín hiệu khả quan. Trong tương quan so sánh với các ngành công nghiệp văn hóa của các nước, đây là con số ngoạn mục" – bà Từ Thị Loan đánh giá về kết quả ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt được trong những năm qua.
Tuy nhiên, theo bà Từ Thị Loan, trong tương quan so sánh, Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu so với các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Hiện tại, những quốc gia này đã có nền công nghiệp văn hóa rất phát triển, con số đóng góp cho GDP quốc gia lớn.
Khó khăn trong xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn
Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện đang bao gồm 12 ngành. Đó là quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.
Thành công hàng đầu phải nói tới điện ảnh. Theo chỉ tiêu của chiến lược công nghiệp văn hóa đến năm 2020, ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD nhưng ngày từ năm 2019, chỉ tiêu này đã đạt 176 triệu USD, vượt 20%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành điện ảnh cũng đang gặp nhiều khó khăn ở bối cảnh hiện tại.
Mới đây nhất, công chúng và những người làm văn hóa đã được chứng kiến sự trở lại của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Sự kiện được tổ chức sau 2 năm gián đoạn vì COVID-19. Sự kiện này phần nào đáp ứng mong mỏi giao lưu, kết nối và quảng bá tác giả, tác phẩm ở quy mô khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội góp phần định vị điện ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Tại Liên hoan năm nay, các phim Việt tham gia chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới là những tác phẩm nổi bật trong những năm gần đây. Trong đó có phim Bố già, đạt doanh thu 420 tỷ đồng, tương đương 17,4 triệu USD, cao nhất trong lịch sử phòng vé của phim Việt. Đây là dịp để phim trong nước được giới thiệu, trình chiếu bên cạnh những tác phẩm tiêu biểu từ những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2022 là một nỗ lực lớn của ngành điện ảnh Việt trong hội nhập quốc tế, qua đó tăng cường giao lưu, xúc tiến hợp tác, thu hút đầu tư. Việt Nam đã có nhiều phim trăm tỷ, nhiều tác phẩm vươn tầm và đạt giải trong các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án tiềm năng chưa được thành hình, bởi gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực sản xuất từ xã hội.
Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014 - 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu 36 - 40 phim/năm. Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VHTTDL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia
"Chúng ta cũng thấy càng ngày càng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế đang suy thoái và du lịch phát triển kém, ngành xuất khẩu gặp khó khăn thì việc phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tới năm 2030 có đóng góp vào GDP 7% là thách thức lớn", GS.TS Từ Thị Loan phân tích.
Điểm nghẽn của phát triển công nghiệp văn hóa
Nói về những điểm nghẽn của ngành công nghiệp văn hóa ở thời điểm hiện tại, GS.TS Từ Thị Loan cho biết những điểm nghẽn này không chỉ tồn tại trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà còn ở ngay giai đoạn hiện nay. Điểm nhgẽn quan trọng nhất là về thể chế và cơ chế. Điều cần làm là khiến thể chế thông thoáng, giải phóng sức lao động, sản xuất của văn hóa, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.
"Ví dụ, để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam thì luật định phải đầy đủ. Chúng ta có những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng như nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh triển lãm thì bây giờ vẫn chưa có luật, thậm chí pháp lệnh chưa có, chúng ta quản lý bằng Nghị định. Chúng ta thiếu những những công cụ pháp lý để phát triển. Những ngành có thể chế đầy đủ như điện ảnh thì có kết quả khả quan ngay lập tức. Hay như với quảng cáo, luật ban hành từ năm 2012 với quảng cáo theo kiểu truyền thống như trên TV, phát thanh truyền hình, phương tiện giao thông. Nhưng hiện nay quảng cáo chủ yếu trên mạng xã hội, nền tảng số thì lại chưa có quy định nên tiền quảng cáo chủ yếu đổ về những nhà mạng nước ngoài, công nghiệp văn hóa của chúng ta không thu được gì", GS.TS Từ Thị Loan phân tích.
"Điểm nghẽn thứ hai là về nguồn lực đầu tư tài chính. Thực tế cũng thấy không có ai đầu tư cho chúng ta làm phim cả, các nhà sản xuất phải tự đầu tư. Sự mạo hiểm trong việc đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là cực kỳ cao. Nhiều nhà làm phim đã phải phá sản", bà Từ Thị Loan nói tiếp.
"Điểm nghẽn thứ ba về nguồn nhân lực. Đội ngũ sáng tạo, sản xuất, làm kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Có thể nhiều nghệ sĩ đam mê sáng tạo nhưng năng lực kinh doanh, sản xuất để cạnh tranh trên thị trường là không chuyên nghiệp. Điều đó cần phải có sự phát triển song song giữa những cái gọi là năng lực sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, tiếp thị quảng bá các tác phẩm công nghiệp văn hóa đó", bà Từ Thị Loan nói.
Phát triển công nghiệp văn hóa theo cả chiều dọc và chiều ngang
UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa 5 năm qua là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về "Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa". Chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa là đúng đắn bởi Việt Nam bắt nhịp chuẩn với xu thế toàn cầu. Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, cần phải xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành một Nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa.
Từ ví dụ của Hà Nội, bà Từ Thị Loan cho rằng đây là một gợi ý để các địa phương trong cả nước làm công nghiệp văn hóa. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa tập trung vào một thế mạnh, ngành công nghiệp đặc sắc của mình. Thành phố Hồ Chí Minh phát triển điện ảnh hay Đà Lạt phát triển âm nhạc. Nhiều địa phương cũng làm du lịch rất tốt…
"Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ phát triển riêng lẻ các ngành mà luôn có sự bổ trợ cho nhau. Tôi nghĩ ngoài cơ cấu ngành dọc từ Bộ đi xuống các Sở địa phương hay Ủy ban, kết nối ngang cũng rất quan trọng. Hiện tại, 12 ngành công nghiệp văn hóa tản mác ở mấy Bộ, sự phối hợp chưa đồng bộ nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, với sự kết hợp giữa các địa phương với nhau, chúng ta hoàn toàn có thể kết nối các thành phố sáng tạo như một con đường. Chúng ta tạo tour, tuyến du lịch; kết nối tạo hệ sinh thái để cùng phát triển công nghiệp văn hóa", bà Từ Thị Loan cho hay.
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đối với tổng doanh thu toàn cầu năm 2019 là khoảng 4%. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa đạt mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Việt Nam đã và đang nhận thức ngày càng rõ hơn tầm quan trọng của công nghiệp văn hoá. Không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, công nghiệp văn hóa còn giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước. Việt Nam không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hoá nhưng cần cơ chế phù hợp, hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!