Nhà văn Tô Hoài.
Do ảnh hưởng Thơ mới, thoạt đầu Tô Hoài cũng men theo con đường thơ để đến với văn học. Song ông sớm nhận ra rằng trời không cho mình thiên tư đó. Sự tỉnh táo, tính tỉ mỉ, sự quan sát thông minh, óc ngụ ngôn... mới là thế mạnh của ông.
Và chính làng Nghĩa Đô quê ngoại toàn ruộng rau muống và ao sâu, những cái ao vừa thả cá, thả bè rau, vừa để vo gạo, nấu cơm, tắm giặt... và trên bờ đầy những cào cào, châu chấu, dế mèn; làng quê có những người đàn ông, đàn bà lao động quần quật, vì miếng cơm, vì chút lợi nhỏ nhặt mà nhiều khi cãi vã, chành chọe nhau nhưng dưới đáy sâu là tình làng nghĩa xóm sâu nặng đã tặng cho ông một món quà vô giá: bối cảnh của tập truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Và như vậy, vào năm 20 tuổi, ông đã trở thành một nhà văn thiếu nhi mang tầm cỡ thế giới.
Dù sau này, với hơn 100 đầu sách, có rất nhiều tác phẩm chấn động dư luận, thì Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn là tác phẩm số một của ông.
Những câu chữ sinh động
Tô Hoài là người sinh ra để viết. Và để viết được, ông là người không ngừng đi và nghĩ. Nhà văn Nguyễn Tuân, người đứng đầu của “trường phái xê dịch”, đã từng thốt lên: Tô Hoài mới là anh đi nhiều, đi thật, còn tôi là anh đi chơi!
Và trong mỗi chuyến đi, nhà văn rất chăm ghi chép, chuyện gì cũng ghi, ghi rất cụ thể tên người, tên việc và cả các từ ngữ lạ tai. Dường như ở đâu, cái gì, kể cả chuyện bếp núc, xó xỉnh trong làng văn ông đều biết, đều biến thành những câu chuyện vui. Ông ghi nhiều để rồi suy nghĩ, sáng tạo. Thí dụ, cách ông dùng từ “cỏ xanh eo éo” thì tôi chưa từng thấy bao giờ. Và cái nghĩ của ông cũng kinh người. Có lần một người bạn là trí thức lớn nói: “Lâu rồi, tôi chẳng muốn gặp ai”. Thế mà ông nâng lên thành: “Bây giờ người đã sợ cả người”...
Thời trẻ, đọc Dế Mèn phiêu lưu ký, đọc những đoạn văn hết sức sinh động như trong Cái áo tế của Tô Hoài, tôi chỉ nghĩ rằng nhà văn là người có tài, cứ viết ra là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” chứ không biết viết được một đoạn văn như thế này là không biết bao công sức nghe nhìn, vắt óc và luyện chữ: “Lão Đợ ngồi dậy, ưỡn lưng vươn vai. Trở trời mưa nắng với con cá, cũng lắm khi bận tới con người. Tiếng sấm muộn này có khi có chuyện đây, lão lấy cái giỏ giắt vào lưng khố. Chiếc nan chân liền của lão vẫn cắm ngoài mép nước. Hai tay như hai cái vây cá ve vẩy đẩy nan lướt ra. Suốt dải bờ, tiếng óc ách, óc ách như dế kêu, nhảy nhảy trong tai...”.
Đọc là thấy ngay Việt Nam, thấy ngay người nông dân và nông thôn, thấy tiếng Việt.
“Nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được”
Tô Hoài là nhà văn viết nhiều về Hà Nội, có người gọi ông là nhà Hà Nội học. Quả không sai. Ông từng bộc bạch: “Hà Nội bây giờ nhà cửa có thể khác tí chút, có tân trang hơn hoặc nâng thêm tầng, nhưng đường phố vẫn vậy, nên phố phường về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi có thể nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được. Vỉa hè vẫn là vỉa hè cũ. Ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ... đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là vỉa hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm... Cả hệ thống cống ngầm bên dưới cũng thế, cũng là hệ thống cũ. Ta còn thấy những nắp cống tròn còn nguyên cả dòng chữ “Marseille”. Đó là nắp cống đúc từ bên Pháp, rồi mang sang bán ở ta”.
Tô Hoài nhớ lại cái thôi thúc để viết Truyện Tây Bắc: “Chuyến đi tám tháng ấy (1952) là đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên. Không thể bao giờ quên được lúc vợ chồng A Phủ tiễn tôi ra khỏi dốc núi Tà Sùa rồi cũng vẫy tay gọi theo: “Chéo lù! Chéo lù!’’ (Trở lại! Trở lại!). Không bao giờ quên được vợ chồng Lý Nủ Chu đưa chúng tôi dưới chân núi Cao Phạ, cùng vẫy tay kêu: “Chéo lù! Chéo lù!”. Hai tiếng “trở lại, trở lại’’ chẳng những nhắc tôi có ngày trở lại mà tôi phải đem trở lại cho những người thương ấy một kỷ niệm tấm lòng mình, một cái gì làm hiển hiện lại cuộc đời người H’Mông trung thực, chí tình, dù gian nan đến thế nào, bao giờ cũng đợi cán bộ, đợi bộ đội, bao giờ cũng mong anh em trở lại” (Tôi viết Truyện Tây Bắc).
Không có nhà văn tự mình. Nhà văn là của nhân dân, của dân tộc. Chỉ có tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, sự dấn thân vào cuộc sống, nhặt lấy và tôi luyện những hạt vàng của cuộc sống mới làm nên những nhà văn đích thực. Đấy là bài học sâu sắc nhất mà tôi học được từ cuộc đời văn của Tô Hoài, một bài học còn nóng hổi tính thời sự.
Hàng triệu người chưa từng biết ông đã say mê đọc văn ông và thán phục ông. Tôi nghĩ hôm nay, ngày mai, ngày mai nữa, người ta vẫn đọc ông, yêu mến ông. Ông vẫn đó, trong từng trang sách, dịu dàng và thủ thỉ giúp ta nghĩ đúng, nhắc ta biết yêu thương con người hơn hết thảy mọi thứ trên đời.
Vĩnh biệt “cha đẻ” của Dế Mèn
“Cha đẻ” của Dế Mèn - nhà văn Tô Hoài - đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/7 tại Hà Nội. Thông tin được nhà thơ Bằng Việt (chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội) chia sẻ: “Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Tôi nghe thông tin từ gia đình thì biết cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện chứ không muốn ở hẳn trong ấy. Vậy mà, giờ một người đã nằm xuống”.
Có lẽ cũng như chú Dế Mèn huyền thoại, nhà văn Tô Hoài đã vừa bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình về cõi khác. Hành trang của ông có lẽ nặng hơn, với 95 năm cuộc đời ở trần gian, với những đắng cay ngọt bùi cùng thời cuộc. Trong đó, Dế Mèn phiêu lưu ký (xuất bản lần đầu năm 1941) là khoảng xanh tươi nhất, trong sáng nhất của ông. Nhưng rất nhiều thế hệ người đọc cũng sẽ không quên những O Chuột, Xóm giếng, Nhà nghèo... Cũng sẽ không quên đôi mắt cô Mỵ, cái dáng lầm lũi của cô trong Vợ chồng A Phủ.
Nhiều tác phẩm của Tô Hoài đã được đưa vào chương trình văn học trong nhà trường. Và nhắc đến Tô Hoài, lũ trẻ - dù thờ ơ với văn chương đến mấy - cũng đều ồ lên vì biết rằng đó là người đã sinh ra cậu Dế Mèn tinh nghịch, đáng yêu cho tuổi thơ của mình.
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội). Ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay). Tô Hoài để lại một khối di sản khá đồ sộ với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Hai tác phẩm cuối cùng của Tô Hoài: hồi ký Cát bụi chân ai và Ba người khác. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996 cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O Chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu Quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ...