"Trái ngọt" sau hơn 2 năm Hà Nội phát huy sức mạnh mềm của văn hóa

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 20/07/2023 15:07 GMT+7

VTV.vn - Văn hóa đang trở thành nguồn lực nội sinh để thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Gần 579 dự án tu bổ di tích được thành phố Hà Nội phân bổ ngân sách, nhiều trầm tích văn hóa được hồi sinh là nguồn lực để du lịch trong hơn 2 năm qua. Hàng ngàn sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức rộng khắp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhân dân. Gần 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo. Đây là những con số ấn tượng về đầu tư văn hóa của Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình hướng tới thành phố sáng tạo trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những bước tiến ấy không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội. Thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng kết nối nguồn lực văn hóa với sáng tạo và sản xuất, tạo nên các giá trị thặng dư để phát huy vai trò, vị thế nguồn lực văn hóa, với sự phát triển nhanh, bền vững của thủ đô. Đây là thành quả bước đầu của Hà Nội khi hiện thực hóa các Nghị quyết, Chương trình của Trung ương về phát triển văn hóa.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội luôn đi đầu trong xây dựng văn hóa. Đại hội Đảng bộ thành phố xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng. Các nội dung này đã được cụ thể hóa trong Chương trình số 6 của thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025 và Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021- 2025 định hướng tới 2030 tầm nhìn tới 2045. Những chủ trương trên đã định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng lợi thế của thủ đô, từ đó đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển để thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Giai đoạn 2021- 2025, thủ đô dành khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực phát triển văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong hơn 2 năm rưỡi qua, khi chủ trương đi vào cuộc sống, chính người dân vừa tham gia là chủ thể sáng tạo vừa là người được hưởng lợi từ chính sách đầu tư cho văn hóa.

Điều đặc biệt là đổi mới tư duy trong đầu tư và phát huy sức mạnh mềm văn hóa đều được bắt đầu từ Nghị quyết của các cấp ủy, biến thành hành động và chương trình cụ thể của các cấp chính quyền, từ đó lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Một trong những điểm nổi bật là đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang kích hoạt sức sáng tạo của các làng nghề, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, dần hình thành trung tâm, không gian sáng tạo trên địa bàn thủ đô.

Hơn 2 năm qua, những thay đổi trong chính sách đầu tư cho văn hóa đang tạo ra quả ngọt cho phát triển kinh tế của thủ đô Hà Nội. Là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới, thủ đô hiếm hoi có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi, với nhiều trầm tích văn hóa lịch sử đã trở thành nguồn lực để Hà Nội bứt phá về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Hà Nội mong muốn và đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi và bổ sung luật thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô, tạo thể chế và môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người thủ đô, tạo sự phát triển đột phá, chung tay cùng cả nước xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước