"Trồng người" - Không dễ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/11/2022 14:12 GMT+7

VTV.vn - Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề giáo giờ lại phải đối mặt với nhiều áp lực, không chỉ còn là cơm áo gạo tiền.

Trước đây, có quan niệm giáo viên là nghề ổn đinh, đỡ áp lực. Thế nhưng, hiện nay điều này không còn gắn với nghề giáo. Trong xã hội ngày nay, người thầy, người cô chịu nhiều áp lực và tổn thương, dù đang gánh trên vai sứ mệnh của nghề cao quý.

Tháng 10 vừa qua, một video được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh tranh cãi giữa một nữ sinh và thầy giáo. Trong lúc nói chuyện, nữ sinh này xưng mày – tao với thầy giáo. Thậm chí, em học sinh còn văng tục với giáo viên. Đầu tháng 11, dư luận phẫn nộ về việc một phụ huynh ở tỉnh Hà Tĩnh đã cầm dao xông vào trường để buộc thầy Hiệu trưởng quỳ xin lỗi trong 6 phút ở sân. Trước đó, vào tháng 5, một phụ huynh livestream tại trường học bày tỏ thái độ bức xúc khi con gái bị đánh tại trường. Vị phụ huynh này liên tục cho rằng phía nhà trường thiếu trách nhiệm, không cho phép phụ huynh gặp học sinh đã đánh con họ…

Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhưng với sự phát triển của kinh tế thị trường, vài năm gần đây một bộ phận phụ huynh cho rằng giáo dục là dịch vụ, đóng học phí là bỏ tiền ra mua dịch vụ. Chính vì vậy khi có vấn đề phát sinh trong nhà trường khiến họ cảm thấy không hài lòng, phụ huynh lại chọn cách ứng xử với giáo viên như với kẻ bán – người mua. Nhiều thầy cô bày tỏ nỗi trăn trở những áp lực của nghề nhà giáo. Dư luận vốn nghiệt ngã, bất công khi mọi tội lỗi của học sinh đều đổ hết xuống đầu giáo viên, xuống nhà trường. Họ quy kết nền giáo dục bất lực, thầy cô không biết dạy học trò.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ứng xử không phù hợp giữa phụ huynh học sinh với giáo viên. Trong đó, không thể phủ nhận có nhiều thầy cô có hành vi chưa chuẩn mực, thiếu đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào thì cách ứng xử, giải quyết vấn đề giữa cha mẹ - giáo viên, học sinh – giáo viên cũng cần đúng mực, vì đây là môi trường giáo dục con người. Các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra những nguyên nhân khác làm giảm sút cái uy của người thầy trong mặt phụ huynh và học sinh, như việc giáo viên đang phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động không mang tính giáo dục, tiêu biểu là phải chịu trách nhiệm thu các loại phí đóng góp… Một trong những nguyên nhân khác là sự phản ứng còn chậm chạp của hệ thống quản lý giáo dục, đặc biệt là khi xảy ra những sự việc được cho là bức xúc như bạo lực học đường, lạm thu…

"Hiện nay, trong nhiều hoạt động ở trường học, một lượng không nhỏ hoạt động không có quan hệ gì với mục tiêu và chương trình giáo dục. Nhưng các trường học vẫn đang làm. Hoặc cách xử lý của một bộ phận giáo viên năng lực không được tốt, hay cách xử lý quá chậm ở một mô hình vận hành trường học thì dẫn đến bùng lên ngọn lửa. Tùy vào đặc điểm tâm lý từng người, nhất là phụ huynh nóng vội, muốn xử lý tình huống nhanh, họ sẽ chọn thổi ngọn lửa cao hơn nữa để mọi người thấy, trở thành hiện tượng được mọi người quan tâm. Người ta có thể lựa chọn những điều mang tính tức thời để giải quyết bức xúc. Điều đáng tiếc là tác động của những phản ứng từ mạng xã hội nhanh đến trong khi của công cụ, biện pháp khác lại chậm hơn. Thực tế cho thấy, khi ngọn lửa lan rộng thì thiệt hại về người và của đều nhiều hơn. Trong giáo dục, thiệt hại này có những vết thương rất sâu sắc", PGS.TS Chu Cẩm Thư – Phó Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ.

Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình cứ 100 nhà giáo thì có 1 người ra khỏi ngành. Áp lực tâm lý là một trong những nguyên nhân. Theo các chuyên gia, để thay đổi điều này cần sự đổi thay từ nhiều phía, đặc biệt từ văn hóa ứng xử giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh. Khi cả ba cùng nhìn thấy trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh, mâu thuẫn đối đầu sẽ không còn nữa.

Không chỉ với nghề giáo, với bất cứ nghề nào, sự nghiêm túc hay thậm chí nghiêm khắc sẽ là một trong những yếu tố giúp người làm nghề tự hoàn thiện bản thân. Nhưng đến mức khắt khe thì sẽ tạo những áp lực không đáng có, trở thành lực cản của sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Tôn trọng, đồng hành và sẻ chia sẽ là những từ khóa quan trọng giúp thầy, cô giáo và cha mẹ luôn đồng hành cùng nhau trong sự nghiệp trồng người. Khi đó, chiếc điện thoại không còn là nỗi ám ảnh của giáo viên. Ngược lại, nó có thể trở thành động lực để những người thầy cô giao lưu với học trò, truyền đạt kiến thức…

Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề

VTV.vn - Thực trạng thiếu hụt giáo viên đang diễn ra tại nhiều nước phát triển trên thế giới, mà nguyên nhân hàng đầu là tiền lương chưa tương xứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước