Truyền hình thực tế - Scandal, chiêu trò và cách thức

N.A-Thứ ba, ngày 08/01/2013 07:40 GMT+7

Tyra Banks - người sáng lập ra chương trình America’s Next Top Model- và top 3 Vietnam's Next Top Model 2011(Ảnh: Vietnam’s Next Top Model)

“Việc tạo ra những yếu tố hấp dẫn khán giả phải xuất phát từ khâu lên ý tưởng kịch bản và hình thức thể hiện để thu hút khán giả chứ không thể chỉ là những chiêu trò” – Bà Quỳnh Trang, Giám đốc sản xuất của Vietnam’s Next Top Model, chia sẻ trong cuộc trò chuyện với VTV.Vn.

Vietnam’s Next Top Model, phiên bản Việt của America’s Next Top Model, đã kết thúc mùa thứ 3 và VTV.Vn đã có cuộc trao đổi với bà Quỳnh Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty CP Truyền thông đa phương tiện (MutiMedia JSC), người đã góp công lớn trong việc đưa phiên bản của chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất thế giới này về Việt Nam- về những vấn đề liên quan đến Vietnam’s Next Top Model cũng như những quan điểm của bà về các chương trình truyền hình thực tế đang được sản xuất tại Việt Nam.

Bà Trang cho biết mình đã phải mất 3 năm thương lượng mới đưa được format chương trình về Việt Nam, chính vì vậy, khi sản xuất Vietnam’s Next Top Model, bà và ê-kíp luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Bà nhấn mạnh: “Vì mình không dễ dàng có được bản quyền sản xuất chương trình này, đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.

“Không phải cứ có tiền là mua được…”

Nói về cơ duyên đầu tiên thúc đẩy bà trong việc mua bản quyền format Next Top Model, bà Quỳnh Trang nói: “Mình là người hoạt động trong lĩnh vực trao đổi và mua bản quyền truyền hình nên thường xuyên có cơ hội ra nước ngoài để tham gia các triển lãm, hội chợ hay hội thảo về ngành truyền hình và truyền thông nói chung. Tại những nơi như vậy mình được cập nhật những chương trình mới và hấp dẫn nhất trên thế giới”.

“Năm 2007, America’s Next Top Model được giới thiệu là đã được sản xuất và phát sóng tại hơn 100 quốc gia. Lúc đó mình nghĩ chương trình phải rất hấp dẫn, vì một chương trình có sức lan tỏa trên toàn cầu như vậy thì chứng tỏ nó đã không còn ranh giới về yếu tố văn hóa hay vùng miền mà đã phải có một thứ ngôn ngữ rất chung, phù hợp với mọi nền văn hóa trên thế giới. Vì vậy nên mình đã quyết định tìm hiểu và đàm phán việc mua bản quyền chương trình này”.

Chị có gặp nhiều khó khăn khi mua bản quyền không?

- Trang đã phải mất 3 năm mới có được bản quyền chương trình và phải nói là gặp rất, rất nhiều khó khăn mới có thể có được bản quyền trong tay.

Với một format lớn, được yêu thích và bán cho hơn 100 nước khác nhau thì họ có đòi hỏi mình phải đáp ứng những tiêu chí nào của họ?

- Vì đây là một chương trình có quy mô lớn, nên không phải mình cứ có tiền là mua được. Phía đối tác họ rất cần biết đối tác của họ là ai, có khả năng sản xuất một chương trình truyền hình thực tế lớn như vậy hay không và có thể đảm bảo chất lượng chung của chương trình trên toàn cầu được không? Tuy nhiên, với sự kiên trì theo đuổi và có thể cộng với cả một chút may mắn nữa, công ty MultiMedia JSC đã chính thức được đối tác là hãng truyền hình lớn nhất của Mỹ CBS đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền chương trình Next Top Model tại thị trường Việt Nam.

 

Bà Quỳnh Trang cùng hai người mẫu Tuyết Lan và Hoàng Thùy tại một show thời trang

“Nhà sản xuất không hề tự tạo ra scandal”

Vietnam’s Next Top Model không dính dáng quá nhiều tới scandal và được xem là một trong những format thành công khi thực hiện tại Việt Nam, nhưng đứng từ vị trí của người sản xuất, chị nhìn nhận như thế nào về ảnh hưởng cũng như những tác dụng của scandal đối với một chương trình truyền hình thực tế?

"Sau mùa đầu tiên và làm việc với chị Trang, thấy được tâm huyết, tầm nhìn của chị về nghề người mẫu tại VN, thấy chị có một hướng đi chuyên nghiệp và khác biệt hẳn so với những người khác nên mình nhận lời. Và khi tham gia chương trình rồi thì thật sự rất thông cảm và trân trọng những nỗ lực mà chị Trang đã làm. Chị ấy phải làm việc với cường độ mà người bình thường không tưởng tượng ra được.

Điều quan trọng nhất mình thấy khi tham gia VNNTM là chị Trang (giám đốc sản xuất chương trình) đã tìm được hướng đi cho ngành người mẫu Việt Nam, đã đưa được người mẫu VN ra thị trường quốc tế. Đó là điều mà không phải ai cũng làm được" - NTK Đỗ Mạnh Cường.

- Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất khi sản xuất Vietnam’s Next Top Model, mình có thể khẳng định chương trình chưa bao giờ chủ trương việc sử dụng các “chiêu trò” để tạo scandal như báo chí vẫn thường nói để tạo thu hút, quan tâm của khán giả. Tất cả những diễn biến diễn ra trong chương trình là hoàn toàn có thật và thực tế diễn ra như vậy. Khi sản xuất chương trình này thì yếu tố “thật” và “thực tế” là những điều mà chương trình đã tôn trọng tuyệt đối, tuy nhiên, đôi khi những điều đó lại tạo ra những dư luận trái chiều trong công chúng nên nó mới tạo ra những điều mà mọi người vẫn hay gọi là scandal, còn bản thân nhà sản xuất thì không hề tự tạo ra scandal.

Nếu theo dõi Vietnam’s Next Top Model trong suốt 3 năm qua, khán giả hoàn toàn có thể dễ dàng nhận thấy tất cả các thí sinh tham dự chương trình đều là những cô gái bình thường với đủ các thành phần khác nhau và đến từ những vùng miền khác nhau khi đến tham dự cuộc thi này. Điểm chung duy nhất của họ đó là cùng có ước mơ được đào tạo để trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Họ hoàn toàn không phải là những diễn viên, vì vậy, tất cả những cảm xúc họ thể hiện ra cũng đều là những cảm xúc rất thật. Nhà sản xuất không thể bắt họ phải khóc là họ sẽ khóc hay bắt cười là họ sẽ cười như diễn viên thực thụ được. Điều đó để khẳng định lại một điều rằng chương trình đã và sẽ chưa bao giờ sử dụng “chiêu trò” để thu hút khán giả. Chương trình hoàn toàn chỉ phản ánh tất cả những yếu tố “thật” và “thực tế” diễn ra trong chương trình mà thôi.

Nói như vậy là chị khẳng định Vietnam’s Next Top Model hấp dẫn khán giả bằng nội dung, không sử dụng bất kỳ chiêu thức nào khác?

- Chắc chắn là như vậy. Bởi vì ngay từ khi bắt tay vào sản xuất chương trình này mình đã ý thức được một việc rất rõ ràng rằng MultiMedia JSC đã phải mất gần 3 năm trời với rất nhiều công sức, tiền bạc… để có được chương trình này trong tay. Vì vậy, nếu mình không làm tốt thì điều nguy hiểm nhất đó là chính khán giả sẽ quay lưng lại với mình và điều thứ 2 còn nguy hiểm hơn, đó là bên phía CBS có thể cắt hợp đồng bản quyền của mình, mà thật sự như mình đã chia sẻ, để có được bản quyền này không hề dễ dàng.

Ngay từ những ngày đầu mới bắt tay vào chuẩn bị sản xuất chương trình, công ty đã đưa cả ê-kíp qua bên Mỹ để khảo sát thực tế về quy trình sản xuất chương trình cùng với ê-kíp sản xuất của America’s Next Top Model. Qua chuyến đi, mọi người đều ý thức và nhìn thấy rất rõ ràng rằng phiên bản tại Mỹ thành công chính bởi họ đã làm việc rất nghiêm túc - vì chất lượng của chương trình. Họ nghiêm túc trong tất cả các khâu sản xuất. Vì vậy, khi quay trở về Việt Nam, ê-kíp đã vào cuộc với đúng tinh thần như vậy.

Theo chị, sự nguy hiểm lớn nhất khi scandal được sử dụng như một chiêu thu hút là gì - về phía nhà sản xuất?

- Thực tế, việc tạo ra những yếu tố hấp dẫn để thu hút khán giả là điều rất cần thiết và quan trọng đối với bất cứ nhà sản xuất chương trình nào, vì nếu đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để sản xuất ra một chương trình mà lại không có khán giả thì thật sự đáng buồn. Tuy nhiên, việc tạo ra những yếu tố hấp dẫn khán giả phải xuất phát từ khâu lên ý tưởng kịch bản và hình thức thể hiện để thu hút chứ không thể chỉ là những “chiêu trò”, vì khán giả bây giờ họ có quá nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình.

Hơn nữa, với thời đại bùng nổ thông tin như hiện , khán giả cũng có rất nhiều thông tin để đưa ra quyết định dừng chân với chương trình nào, vì vậy họ sẽ loại không thương tiếc chương trình nào mà họ thấy không hấp dẫn, thú vị. Vậy nên, việc làm thế nào để giữ chân khán giả cũng luôn là yêu cầu được đưa lên hàng đầu khi mình bắt tay vào sản xuất chương trình.

Vậy cách thức chị đã áp dụng khi thực hiện Vietnam’s Next Top Model là gì?

- Đó là luôn tôn trọng khán giả. Điều đó thể hiện ở chỗ khi sản xuất một chương trình truyền hình thì ngoài yếu tố chuyên môn, việc truyền tải những yếu tố “thật” cũng là điều được đặt lên hàng đầu và Vietnam’s Next Top Model đã và luôn làm như vậy. Như đã nói ở trên thì khán giả bây giờ họ có thể cảm nhận và nhìn ra đâu là “thật” và đâu là “chiêu trò”. Vì thế, nếu chỉ sự dụng “chiêu trò” thì khán giả sẽ rất dễ quay lưng với mình, mặc dù đôi khi yếu tố “thật” có thể gây ra những dư luận trái chiều, nhưng nếu đó đúng là “sự thật” thì nó sẽ mãi là sự thật và khán giả sẽ chấp nhận điều đó hơn là những chiêu trò tự tạo.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước