Valentine: Tản mạn truyện Kim - Kiều bắc thang, vượt rào đến với nhau

Theo VOV-Thứ sáu, ngày 12/02/2016 10:11 GMT+7

VTV.vn - Viết về truyện Kiều có lẽ văn chương đã nhiều lắm rồi. Bên chén trà đầu xuân, xin hầu chuyện khách văn vài chi tiết thú vị, vui vui trong Kiều.

Trăm năm trong cõi người ta

Một thiên tuyệt bút gọi là để sau”

(Nguyễn Bính)

Truyện Kiều – một thiên tuyệt bút của Đại thi hào Nguyễn Du, kể đến nay đã hai trăm năm có lẻ, nhưng vẫn còn đó nỗi đau nhân tình thế thái như dòng lệ Tố Như thưở nào. Đọc truyện Kiều, không chỉ là để “mua vui cũng được một vài trống canh”như cụ Nguyễn nói, mà nó là câu chuyện về nhân tình thế thái, về triết lý xã hội, nhân tâm.

Kim Trọng bắc thang trèo tường, Thúy Kiều chui rào

Từ thủơ gặp nhau trong hội Đạp Thanh, Kim Trọng tương tư Thúy Kiều đến mất ăn mất ngủ, một ngày không gặp tưởng như dài đến ba Thu:

“Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba Thu dồn lại một ngày dài ghê” (câu 247)

Đêm đêm chàng thức chong đèn tưởng nhớ giai nhân:

“Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng” (câu 251)

Rồi bỏ cả học hành đàn nhạc:

“Phòng văn hơi giá như đồng

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan” (câu 251)

Đêm rồi lại ngày:

“Mành tương phất phất gió đàn

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (câu 255)

Và rồi cơ hội đến, sau khi chàng Kim dọn đến ở dưới hiên Lãm Thúy – cạnh vườn hoa nhà Thúy Kiều, một ngày thoáng thấy bóng Kiều bên kia vườn, Kim vội “buông đàn xóc áo vội ra” – nhưng chẳng thấy người đâu, chỉ bắt được một cành thoa giắt trên cành cây. Sáng hôm sau, Thúy Kiều ra tìm, Kim đánh tiếng:

“Thoa này bắt được hư không,

Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về” (câu 305)

được Kiều đáp lời, chàng Kim vội vàng về nhà lấy thêm đôi xuyến vàng và một vuông khăn lụa (chắc đã được chuẩn bị trước!) :

“ Vội về thêm lấy của nhà

Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông” (câu 317)

Hai vườn hoa cách nhau một bức tường, nên chàng Kim đã phải bắc thang trèo qua để sang gặp Thúy Kiều:

“Thang mây rón bước ngọn tường

Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?” (câu 319)

Sau khi gặp gỡ, hai người ngỏ ý cùng nhau, trao vật làm tin. Nhưng sau đó cả tháng Kim Kiều mới có cơ hội gặp gỡ, khi cả nhà Vương ông đi sinh nhật. Thúy Kiều vội qua thăm Kim Trọng, nàng ra phía sau tường đánh tiếng:

“Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng,

Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông” (câu 380)

Sau khi thanh minh vài lời, Thúy Kiều men theo đến cuối tường, nơi ấy có một chỗ thông sang hai vườn, mới được rào lại, Kiều đã vạch rào chui sang bên vườn với chàng Kim:

“Lần theo núi giả đi vòng,

Cuối tường dường có nẻo thông mới rào,

Xắn tay mở khóa động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai” (câu 389)

Đến đây mới thấy cái tài tình trong bút pháp của Cụ Nguyễn, khi Cụ khai thác cái hình ảnh lối đi hẹn hò của hai người. Bởi đến đoạn cuối truyện, đoạn mô tả khi Kim Trọng từ Liêu Dương trở về, thì gia đình Kiều đã gặp cơn gia biến, chàng trở lại chốn xưa thì nay đã hoang tàn :

“Xập xè én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày” (câu 2749)

Và cái hình ảnh lối đi qua rào ngày xưa lại tái hiện thành kỷ niệm cồn cào:

“Cuối tường gai góc mọc đầy,

Đi về này những lối này năm xưa” (câu 2751)

Thật là tuyệt bút!

Vợ Vương Quan là ai?

Đọc truyện Kiều, ngoài nhân vật chính Kim-Vân-Kiều, còn có Vương Quan, con trai duy nhất của Vương Ông, là em Thúy Kiều. Tuy chỉ xuất hiện có vài lần, nhưng Cụ Nguyễn cũng xây dựng hình ảnh rất đầy đủ của Vương Quan và gia đình Vương Ông. Trong đoạn cuối truyện, khi Kim Trọng và cả nhà đi tìm Kiều, sau bao nhiêu khó nhọc, đến khi Kim Trọng được về nhậm chức tại thành Châu Dương, Vương Quan về nhậm chức tại thành Nam Bình. Đây là nơi trước kia bị Từ Hải chiếm cứ, lúc này hỏi thăm mới được tin Kiều đã trầm mình xuống sông Tiền Đường, tưởng Kiều đã mất, gia đình Vương Ông đã lập đàn cầu siêu cho Thúy Kiều ở bờ sông. Khi đang chuẩn bị tế lễ thì bỗng gặp vãi Giác Duyên, lúc ấy mới biết được Kiều còn sống, cả nhà Thúy Kiều lúc ấy đầy đủ :

“Này Chồng, này Mẹ, này Cha

Này là Em ruột, này là Em dâu” (câu 2981)

Chồng – tức chàng Kim, Mẹ Cha - là Vương Ông, Vương Bà. Em ruột – tức Thúy Vân và Vương Quan. Còn Em dâu – tức vợ Vương Quan. Đọc đến đây, không ít người thắc mắc : Vương Quan lấy vợ khi nào? Và vợ Vương Quan là ai?

Quay trở lại với câu chuyện lúc gia đình Kiều gặp cơn gia biến, khi bị “thằng bán tơ” vu vạ, sai nha đã ập đến, bắt trói cha con Vương Ông – Vương Quan và tra khảo. Lúc ấy, trong đoàn công sai ấy có người họ Chung làm nha dịch trong phủ:

“Họ Chung có kẻ lại già

Cũng trong nha dịch lại là từ tâm” (câu 607)

vì thương xót hoàn cảnh gia đình họ Vương, nên mới ra tay giúp:

“Tính bài lót đó luồn đây

Có ba trăm lạng việc này mới xong” (câu 611)

Trước hoàn cảnh này, Kiều đã bán mình để chuộc cha. Được sự giúp đỡ của người họ Chung, cuối cùng thì cha con Vương Ông cũng được tha:

“Họ Chung ra sức giúp vì

Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong” (câu 691)

Gia đình Vương Ông rơi vào sa sút “may thuê, viết mướn lần hồi kiếm ăn”, sau khi Kim Trọng quay lại, mới sửa sang nhà cửa, đón gia đình Kiều về vườn cũ, vận nhà được khôi phục, Kim Trọng và Vương Quan cùng thi đỗ. Nhớ ơn người họ Chung, Vương Quan đã sang tạ ơn, và cưới con gái của Chung lão:

“Chàng Vương nghĩ đến xa gần

Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền

Tình xưa ân trả nghĩa đền

Gia thân mới lại kết duyên Châu Trần” (câu 2863)

Như vậy, vợ của Vương Quan là con của Chung lão, người đã giúp gia đình Thúy Kiều lo lót quan sai để qua cơn gia biến.

Vài chi tiết vui vui, tản mạn đôi chút văn chương hầu chuyện khách văn. Cũng là để cho thêm hương vị chén trà đầu xuân, và cũng là để “mua vui cũng được một vài trống canh” như cụ Nguyễn đã viết. Chúc bạn đọc một mùa xuân an lạc.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước