Vanessa Võ Vân Ánh đã đoạt giải Emmy, giải thưởng của ngành truyền hình Mỹ, cho nhạc phim tài liệu năm 2009; giải cho nhạc phim tài liệu xuất sắc nhất liên hoan phim Sundance, liên hoan phim độc lập lớn nhất ở Mỹ năm 2002 và được đề cử cho nhạc phim tài liệu hay nhất giải Oscar năm 2003. Chị cũng đã kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với các thể loại nhạc khác để đưa âm nhạc truyền thống của quê hương lên tầm cao mới.
Chia sẻ về quá trình từ một nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống hàng đầu ở Việt Nam sang gây dựng sự nghiệp âm nhạc của riêng mình tại Mỹ, Võ Vân Ánh nói: "Đó là một hành trình không hề dễ dàng. Tôi đã từng là một nghệ sĩ chơi nhạc có tên tuổi ở Việt Nam nhưng việc đến Mỹ sinh sống vào năm 2001 đã khiến tôi trải qua một cú sốc, vì đột nhiên tôi trở thành người không có danh tiếng gì. Không ai biết tôi là ai hay tôi đã đạt được những gì".
"Đối tượng khán giả mới đã khiến tôi suy nghĩ về thể loại nhạc mà tôi có thể chia sẻ với họ. Tôi đã biết rằng loại âm nhạc tôi biểu diễn ở Việt Nam sẽ khó được ưa chuộng như vậy tại Mỹ. Tôi đã dành nhiều thời gian đến các buổi hòa nhạc để học hỏi thêm từ những người nghệ sĩ khác, đặc biệt là những nghệ sĩ không phải là người bản xứ. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được sống ở khu vực vịnh San Francisco – một trong những khu vực có những cộng đồng đa dạng nhất ở Mỹ. Tôi đã đến nhiều buổi hòa nhạc và thấy rằng những người ở đó chưa biết về vẻ đẹp của Việt Nam. Sau một thời gian, tôi bắt đầu liên hệ với những nghệ sĩ ở đó. Tôi đến gặp họ và giới thiệu về bản thân mình, kết bạn với họ. Chúng tôi đã hẹn cùng chơi nhạc".
Những người bạn mới ấy đã khơi gợi cảm hứng cho chị qua những thể loại nhạc gì?
- Đó là nhạc World Music, nhạc Jazz, nhạc Rock và rất nhiều thể loại âm nhạc khác. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi tụ họp với một nhóm các nghệ sĩ nhạc Jazz, họ đã nói với tôi rằng: Let’s jam! (Chúng ta cùng ngẫu hứng đi!). Lúc đó vốn tiếng Anh của tôi còn khiêm tốn, tôi đã nói với họ rằng: Xin lỗi, tôi chỉ biết jam trong traffic jam (tắc đường) thôi. Tôi đã không biết jam là như thế nào. Họ nói với tôi rằng: Nếu vậy thì hãy improv (chơi nhạc ngẫu hứng) nào!
Tôi còn lúng túng hơn vì tôi không hiểu từ improv nghĩa là gì. Tôi bảo họ hãy cứ chơi nhạc để tôi quan sát và sau đó tôi có thể làm theo. Hóa ra những gì họ làm cũng gần với những gì tôi đã làm ở Việt Nam và kỹ năng âm nhạc mà tôi đã có. Những người biểu diễn âm nhạc truyền thống ở Việt Nam cũng làm những điều tương tự như các nghệ sĩ nhạc jazz. Khi tôi theo học âm nhạc truyền thống với thầy cô giáo của tôi, tôi đã bắt đầu với việc chơi đúng bản nhạc như vốn có. Sau khi tôi đã tập ổn rồi, thầy tôi yêu cầu tôi chơi bản nhạc bằng những phong cách khác nhau. Đó chính là sự ngẫu hứng. Và đó cũng là "jam" khi tôi chơi nhạc cùng các nghệ sĩ khác ở Mỹ. Tôi đã học được điều đó.
Việc tương tác với âm nhạc ở các nước phương Tây, những thể loại âm nhạc khác với âm nhạc truyền thống của Việt Nam có gây khó khăn gì cho chị không?
- Tôi nghĩ một trong những tính chất tuyệt vời nhất của âm nhạc là việc giúp con người tương tác với nhau mà không bị giới hạn. Âm nhạc có ngôn ngữ riêng của nó. Nếu ta hiểu âm nhạc thì đó cũng là một công cụ để giao tiếp. Ta chỉ cần lắng nghe, phản hồi và tham gia. Đó là cách ta hòa mình vào âm nhạc. Tôi không phải lo lắng về việc tiếng Anh của mình có đủ trôi chảy không. Tôi chỉ cần lắng nghe, cảm nhận, phản hồi và chia sẻ là đã có thể tiếp thu được ảnh hưởng cũng như gây ảnh hưởng lên người khác. Tôi đã học được cách tương tác với các nghệ sĩ khác.
Sau khi gặp gỡ những nghệ sĩ khác, chị đã làm gì để tiến sâu hơn vào ngành âm nhạc ở nước Mỹ?
- Tôi đã dành rất nhiều thời gian luyện tập và nghĩ về việc mình thật sự muốn làm gì. Tôi nghĩ việc sử dụng âm nhạc để thể hiện cảm xúc của mình cũng như suy nghĩ của mình về thế giới xung quanh là điều quan trọng. Nhưng âm nhạc của tôi cũng cần có bản sắc văn hóa Việt Nam trong đó, vì Việt Nam là quê hương tôi. Nhưng vì tôi biểu diễn ở Mỹ tôi cũng cần phải làm thế nào đó để những người xung quanh hiểu được tôi qua âm nhạc của tôi. Tôi đã viết rất nhiều bản nhạc. Tôi đã không quan tâm đến việc nhạc tôi viết ra có hay không. Tôi chỉ nghĩ rằng mình cần viết ra những điều thật lòng, thể hiện cảm xúc của mình. Tôi luôn tự nhủ rằng mình phải cho người khác thấy được những điều sâu tận đáy lòng mình. Những gì tôi viết ra hay dở ra sao, tôi nhường lại phần đánh giá ấy cho khán giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!