Vì sao mùa phim Tết 2016 lại ảm đạm chưa từng thấy?

Theo Dân Trí-Thứ năm, ngày 28/01/2016 23:22 GMT+7

VTV.vn - Như đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, các nhà sản xuất Việt lại tung ra hàng loạt phim để phục vụ khán giả.

Tuy nhiên, năm nay dù Tết đã cận kề nhưng số lượng phim được phát hành đang rất lèo tèo. Phải chăng các nhà sản xuất đã chán cảnh phải tận thu vào ngày Tết?

Nhả “mồi ngon” vì doanh thu giảm

Tính đến thời điểm này, mới chỉ có phim “Lộc phát” (đạo diễn: Lê Bảo Trung), “Tía tui là cao thủ” (đạo diễn: Trần Ngọc Giàu), “Siêu trộm” (đạo diễn: Hàm Trần) đã được ra mắt và đang phát hành rộng rãi trên các rạp chiếu. Những cái tên hứa hẹn sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết như: phim hình sự có yếu tố kinh dị “Ám ảnh” hay phim hài “Yêu là phải xài chiêu” vẫn chưa thấy xuất hiện. Theo thông tin bên lề thì “Yêu là phải xài chiêu” dự kiến sẽ ra rạp vào 5/2/2016, còn “Ám ảnh” ra mắt vào 10/2/2015 (tức mồng 3 Tết).

Trước đó, nhiều khán giả hồ hởi mong chờ khi có thông tin “Tấm Cám và những chuyện chưa kể” (Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất kiêm đạo diễn) và “Tèo Em 2” (do Charlie Nguyễn đạo diễn) cũng sẽ ra mắt vào dịp Tết nhưng kế hoạch ra mắt đã phải dời sang dịp hè 2016 do không kịp tiến độ.

Như vậy, nếu tính cả hai phim sắp ra mắt vào tháng 2/2016 thì mùa phim Tết năm nay sẽ có 5 phim. So với thị trường phim Tết năm 2014 (có 8 phim đủ các thể loại hài, hành động, kinh dị, tâm lý) đây quả là một mùa phim ảm đạm bởi số lượng phim đã ít, trong đó phim hài lại chiếm phần đa. Những “món lạ” kiểu như “Trúng số” hay được đầu tư kỹ xảo hoành tráng kỹ xảo như “Ngày nảy ngày nay”, “Siêu nhân X” của năm ngoái đã bị “tiệt chủng”. Khán giả muốn ủng hộ cho phim Việt chỉ có nước “cố đấm ăn xôi” xem toàn hài là hài hoặc nếu muốn “đổi món” chỉ còn cách xem phim nước ngoài. Nhiều nhà sản xuất lo ngại rằng, với đà này, phim Việt sẽ hoàn toàn lép vế trước dòng phim nước ngoài đang ồ ạt “tấn công” các rạp chiếu.

Thị trường phim Tết nhiều năm qua vốn được xem là “miếng mồi béo bở” của nhiều nhà sản xuất bởi các bộ phim phát hành vào dịp này đều giúp họ “hốt” doanh thu “khủng”. Vậy lý do gì khiến các nhà sản xuất “nhả” cơ hội kiếm bạc tỷ này?.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, mức độ cạnh tranh của thị trường phim Tết đang ngày càng khốc liệt. Vì mức độ cạnh tranh khốc liệt nên doanh thu của nhiều bộ phim đã không được như mong đợi dù đầu tư rất hoành tráng và khâu truyền thông cũng rất tốt.

Cụ thể, nếu “Nhà có năm nàng tiên” (phim đạt doanh thu cao nhất trong số các phim ra mắt dịp Tết 2013) đạt doanh thu cao nhất là 55 tỷ thì “Quý tử bất đắc dĩ” (phim đạt doanh thu cao nhất trong số các phim ra mắt dịp Tết 2015) cao nhất cũng chỉ đạt 44 tỷ, đó là chưa kể mức độ trượt giá.

Nhiều nhà chuyên môn nhận định, việc ra một lúc nhiều phim với công thức giống nhau đã khiến cho thị trường trở nên bão hoà, khán giả không còn mặn mà với phim Việt. Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt cũng chưa đủ tầm và chưa đủ lực để có thể sản xuất được những bộ phim “bom tấn” đúng nghĩa, hòng cạnh tranh với các bộ phim nước ngoài trên rạp chiếu. Vì lẽ đó mà doanh thu cứ giám dần còn khán giả lại dịch chuyển sang xu hướng xem phim nước ngoài thay cho các phim Việt chưa có nhiều đột phá.

Cứ Tết lại hài?

Phải hơn 5 năm trở lại đây, phim hài như trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong mùa phim chiếu Tết. Nhà nhà làm phim hài, người người đóng hài... khiến cho mảng phim hài trở nên nhàm, sáo và nhạt. Từ chỗ yêu và thích tiếng cười, nhiều khán giả đâm ra “sợ” hài. “Mâm cỗ” phim Tết vì thế mà cũng ngày càng nghèo nàn và đơn điệu bởi tiếng cười lấn át những thứ cảm xúc khác.

Chỉ tính riêng năm nay, trong số 5 phim đang và sẽ được chiếu trong dịp Tết thì có đến 4 phim thuộc thể loại hài. Những phim “Lộc phát”, “Tía tui là cao thủ”. “Siêu trộm” dù các đạo diễn đã cố tình chọn đề tài và thể loại hài hành động để thể hiện nhưng màu sắc hài vẫn vậy, không có gì mới. Vẫn là những câu chuyện rất đơn giản, nếu không muốn nói là hời hợt và tiếng cười đôi khi chỉ là cái “cù nách” chứ không phải từ sự dí dỏm tự thân của tình tiết, câu thoại hay nét duyên của diễn viên. Về phần diễn viên, “gạn qua gạn lại” cuối cùng cũng là những gương mặt quen thuộc mà năm nào khán giả cũng gặp như: Hiếu Hiền, Đinh Ngọc Diệp, Kiều Minh Tuấn, Việt Hương, Hoài Linh...

Về nội dung, nếu phim “Lộc phát” là câu chuyện hài hước về cuộc đua bất đắc dĩ của chàng trai tên Lộc (Hiếu Hiền thủ vai) và gã sát thủ tên Cát (Bình Minh thủ vai) và những cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn với Mai (Đinh Ngọc Diệp thủ vai) – cô gái vừa thoát khỏi tay những kẻ buôn nội tạng, Phát (Kiều Minh Tuấn) - một đại gia bất động sản, một lão ăn mày bị cướp hành hung (Hoàng Sơn)... thì “Siêu trộm” lại đi vào mảng đề tài hacker (tội phạm công nghệ) đề cập đến những mánh khóe trong thế giới tội phạm siêu kỹ thuật, một hacker có tên Bóng Ma đã tạo ra phần mềm có thể khóa ổ cứng của máy tính và buộc nạn nhân sử dụng phải trả một khoản tiền chuộc bằng những đồng tiền ảo. “Tía tui là cao thủ” lại là xoay câu chuyện về một gia đình làm nghề thuốc Đông y. Ông bà Nho Nhã (Hoài Linh - Việt Hương thủ vai) nổi tiếng khắp làng với tài “phóng kim châm chữa bệnh” có một không hai. Từ khi có được số tiền đền bù đất cuộc sống của họ đã thay đổi với nhiều chi tiết bi hài.

“Yêu là phải xài chiêu” là phim đầu tay do Khương Ngọc đạo diễn. Phim xoay quanh chuyện chàng Ngốc to xác nhưng có tính tình như một đứa trẻ. Vì vậy, Ngốc thường xuyên bị nhóm thanh niên sống cùng khu phố chọc phá. Anh có người chị gái yêu thương mình hết mực, sẵn sàng “ở giá'”để chăm sóc cho Ngốc, luôn có mặt mỗi khi Ngốc bị ăn hiếp.

“Ám ảnh” là phim duy nhất trong mùa phim Tết là phim duy nhất thuộc thể loại hình ự có yếu tố kinh dị. Phim khai thác một vụ mất tích bí ẩn của cô sinh viên tên Thư - một người hiền lành trót sa chân vào lối sống buông thả, thực dụng. Những tình tiết bất ngờ và thông điệp sâu sắc về quy luật nhân quả được xem là điểm nhấn của bộ phim này. Những gương mặt tham gia phim cũng là những gương mặt đầy triển vọng của điện ảnh Việt như: YaYa Trương Nhi sẽ vào vai Thư, Trần Tuấn Lương thủ vai Nam, Hiếu Nguyễn đảm nhận vai Hoàng, Hoàng Yến Chibi trong vai Mai Anh...

Theo giới chuyên môn, nhìn qua “thực đơn” của mùa phim Tết năm nay, với những phim hài do những đạo diễn ấy, nhiều người chỉ tin là 2 trong số 5 phim này có doanh thu trên 20 tỷ. Điều mà nhiều người quan ngại đó là nếu các nhà sản xuất vẫn cứ tiếp tục lối làm phim hài như hiện nay sẽ “thua” ngay trên “sân nhà” bởi khán giả đã không còn mặn mà với những phim hài theo mô-tuýp quen thuộc. Và càng đổ dồn vào làm phim hài mức độ cạnh tranh càng cao mà doanh thu lại đổ dồn vào túi các bộ phim nhập khẩu. Đã đến lúc thị trường sản xuất phim cần thay đổi tư duy về cách làm phim Tết bởi rõ ràng thị trường này vẫn đang rất tiềm năng.

Từ khóa:

phim tết 2016

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước