Tháng 6/1948, trong lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Ngay từ những năm đầu giành được độc lập, diệt giặc dốt đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Những năm sau này, phong trào thi đua học tập được đẩy mạnh ở hầu khắp các địa phương: như phong trào thi đua Hai tốt -Học tốt, dạy tốt, Tiếng trống khuyến học… Những năm qua, nhiều chính sách được bàn hành để nâng cao công tác khuyến học, khuyến tài, với mục tiêu xa hơn là xây dựng một xã hội học tập, văn hóa học tập trong cộng động.
Xã hội học tập là một triết lý giáo dục được UNESCO ủng hộ. UNESCO coi giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia với quan điểm giáo dục nên mở rộng ra ngoài việc học chính thức thành các trung tâm học tập không chính thức để hỗ trợ nền kinh tế tri thức và nâng cao văn hóa, dân trí
Tại Việt Nam, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, để nâng cao chất lượng nhân lực lao động, trí thức, văn hóa. Tại nhiều địa phương, phong trào học tập đã lan tỏa với nhiều mô hình hiệu quả ,thu hút đông đảo người dân tham gia.
"Một cỗ xe giáo dục đang chạy như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo là người kéo còn Hội Khuyến học là người đẩy. Người kéo và người đẩy đều phải thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Hiện nay, Hội Khuyến học có 5 mô hình học tập, gồm: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và công dân học tập. Thành công lớn nhất là nhận thức của xã hội về xã hội học tập, về học tập suốt đời, về sự học đối với sự phát triển bền vững của bản thân, gia đình, dòng họ và xã hội được nâng lên rất nhiều. Đó là thu hoạch lớn nhất mà từ nhận thức ấy sẽ biến thành hành động, người ta đi học nhiều hơn, tham gia các khóa đào tạo nhiều hơn, tìm mọi cách để học tập, học ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi phương pháp", GS.TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ.
Sự vận động nhân dân học tập thường xuyên tại nhiều nơi rất cần đến sự tác động tích cực của dòng họ. Người cao tuổi, người đứng đầu các dòng họ ở các địa phương trên cả nước luôn là những người tiên phong trong phong trào khuyến học, khuyến tài.
"Kết quả của các mô hình học tập, đặc biệt là dòng họ học tập hay ở chỗ tập trung được trí tuệ của con cháu, thu hút được con cháu về với cội nguồn, phát huy gia phong, gia giáo của dòng họ trong giáo dục con cháu, trong bảo vệ đạo đức của dòng họ, cũng chính là bảo vệ đạo đức của con người Việt Nam, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Chúng tôi đang nghiên cứu để có những hội thảo lớn với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT-DL vào đầu tháng 8 tới về vai trò của dòng họ với việc xây dựng xã hội học tập, nhằm phát huy những giá trị của văn hóa, giá trị truyền thống phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam", bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết thêm.
Ngày nay, khi quan điểm giáo dục hướng vào thực học - thực nghiệp - thực việc, thì phong trào khuyến học ở nhiều nơi đã thay đổi. Ở nhiều dòng họ, việc có bao nhiêu con cháu đỗ đạt không còn quá quan trọng so với việc bao nhiêu trong số họ tiếp cận được với tri thức, và bắt đầu biết cách dùng tri thức làm giàu cho bản thân, quê hương mình.
Dòng họ ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại như một thiết chế có tổ chức chặt chẽ, có sự giao lưu, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các gia đình. Phát huy nét đẹp dòng họ là hướng đi hiệu quả của nhiều địa phương, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, hướng tới sự phát triển bền vững.
Các dòng họ Việt Nam có ý nghĩa lớn trong văn hóa làng xã, đạo đức truyền thống nhờ chấp nối phả tộc, hướng về cội nguồn, thờ phụng tổ tiên và phát huy truyền thống quý báu của mỗi dòng họ. Trong đó, truyền thống hiếu học và khoa bảng là lâu đời nhất và nổi trội hơn cả ở rất nhiều dòng họ. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có những dòng họ nhờ có học mà thành danh, đóng góp cho đất nước.
Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách tổ chức thi đua phải dựa vào lực lượng của dân, dựa vào tinh thần của dân để gây hạnh phúc trong dân. Trong công tác khuyến học, khi từng người dân, từng gia đình, từng dòng họ hiểu được giá trị của việc học, sẽ có những công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập và tiến tới xây dựng một xã hội học tập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!