Cùng với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, những hình thức sáng tạo nội dung mới cũng gia đời, trong đó podcast và các hình thức truyền tải nội dung bằng âm thanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong văn hóa nghe, đọc của giới trẻ. Hiểu một cách đơn giản, podcast là một loạt tập tin âm thanh hoặc video trên mạng mà người dùng có thể tải về và nghe bất kỳ lúc nào. Với nhiều bạn trẻ, đây là một phần trong thói quen hàng ngày, bởi tính tiện lợi trong sử dụng và đa dạng trong các đề tài. Tuy nhiên, chính vì tính phổ biến càng ngày càng cao mà podcast cũng đặt ra những thách thức mới trong quản lý nội dung.
Theo nghiên cứu do Batista – một công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, số lượng người dùng podcast trên toàn thế giới đã tăng đều đặn trong những năm qua. Năm 2019, con số này là 274 triệu người dùng và đến năm 2022 là 424 triệu người. Năm 2023, lượng người sử dụng podcast đã chạm mốc 465 triệu người. Con số này được dự đoán sẽ tăng đến hơn 500 triệu người vào năm 2024.
Sự nổi lên mạnh mẽ của xu hướng podcast dẫn đến doanh thu từ loại hình nội dung số này tăng lên nhanh chóng, dự báo đạt hơn 1 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, một phần doanh thu đáng kể đến từ quảng cáo trên podcast. Tại Việt Nam, làm podcast đã trở thành một công việc mang lại thu nhập ổn định với nhiều bạn trẻ, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Cơ hội và lợi thế như vậy nhưng thực trạng phát triển nội dung podcast của Việt Nam cũng đặt ra những thách thức vì hiện chưa có quy định hay chế tài cụ thể nào cho việc sản xuất nội dung số này, khi người phát hành là những cá nhân. Các sản phẩm sau khi được nhà sáng tạo nội dung sản xuất sẽ đăng tải trực tiếp lên nền tảng xuyên biến giới, có thể ngay lập tức tiếp cận một lượng khán giả khổng lồ. Điều này có nghĩa những nội dung xấu độc, thậm chí xuyên tạc, phản động cũng có thể được đăng tải, tiếp cận người dùng.
Theo đó, cần sớm có chế tài quản lý loại hình quản lý podcast thay vì để trăm hoa đua nở như hiện nay. Đồng thời, bản thân người dùng cũng cần tạo ra màng lọc cho riêng mình, bởi họ nắm trong tay khả năng quyết định một sản phẩm văn hóa có thể tồn tại hay không. Người dùng tự ý thức được quyền và trách nhiệm của mình sẽ góp phần xây dựng môi trường mạng trong sạch, giúp những sản phẩm văn hóa mới như podcast có thể phát triển mạnh mẽ, phát huy được thế mạnh và lợi ích của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!