Có không ít ngành, lĩnh vực sản xuất chủ chốt như may mặc, da giày, điện tử... đang phụ thuộc tới 70 - 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Dù đã có sự phòng ngừa, chuẩn bị từ trước nhưng những biện pháp hạn chế thông thương để ngăn chặn dịch COVID-19 cũng đang khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ cạn kiện nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Nhiều DN cho biết, nguồn nguyên liệu dự trữ của họ chỉ đủ sản xuất đến hết tháng 3 này, thậm chí chỉ còn 2 tuần nữa. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ thu hẹp hay dừng sản xuất là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, dịch COVID-19 sẽ gây tác động theo chiều thẳng đứng, khi bị gián đoạn nguồn nguyên liệu, thiết bị, khả năng phải đóng cửa nhà máy là rất cao. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của các doanh nghiệp vào lúc này là sớm cơ cấu lại sản xuất, tìm nguồn cung thay thế khi nguyên liệu và thiết bị đang không còn nhiều.
Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện các doanh nghiệp may đang phải nhập khẩu tới 50% lượng vải từ Trung Quốc nhưng hiện các nhà máy sản xuất vải của Trung Quốc đã đóng cửa và các hoạt động xuất nhập khẩu cũng đình trệ.
Để đảm bảo nguồn cung, tập đoàn đang lên phương án kép là vừa tìm thị trường nhập khẩu mới, vừa tăng sản xuất vải trong nước.
Liên tiếp Trung Quốc, Hàn Quốc rồi Nhật Bản phải chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Đây là các thị trường nhập khẩu nguyên liệu chính của tập đoàn hóa chất nên đến Quý II/2020, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do hết nguyên liệu cũng như thiết bị thay thế.
Theo các doanh nghiệp, tất cả các kịch bản ứng phó với việc thiếu nguồn cung sẽ không cố định mà luôn thay đổi theo kết quả ngăn chặn dịch COVID-19 cũng như diễn biến mới của thị trường. Tuy nhiên, ổn định cũng như tạo đà sản xuất thì những giải pháp về tài chính như hoãn, giãn thuế và phí cũng được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sớm được triển khai.
Dịch COVID-19 đang gây gián đoạn giao thương Việt Nam với nhiều đối tác thương mại hàng đầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đầu vào của DN. Do vậy, việc chủ động các phương án dự phòng nguồn nguyên liệu sản xuất, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được các hiệp hội nghề và cơ quan quản lý nhà nước tính đến.
Trong khó khăn, nguy cơ cũng đang xuất hiện nhiều cơ hội bởi đây không chỉ là dịp để các DN đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, qua đó phòng tránh rủi ro cho tương lai mà còn là cơ hội cho vàng các DN phụ trợ trong nước có điều kiện tăng thêm bạn hàng mới, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Làm tốt điều này sẽ giúp các DN và nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam đã và đang ký kết như CPTPP hay EVFTA.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!