Tài sản của hơn 2.100 người giàu nhất thế giới lớn hơn tổng số tài sản của 4,6 tỷ người nghèo nhất trên thế giới. Đây là con số trong báo cáo mới được Tổ chức viện trợ Oxfam công bố. Theo báo cáo, phụ nữ và em gái là những người chịu thiệt thòi nhất. Họ đã bỏ ra tổng cộng 12,5 tỷ giờ/ngày để làm những công việc chăm sóc gia đình mà không được trả thù lao. Số thời gian này đáng ra có thể mang về ít nhất khoảng 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới.
Cũng theo báo cáo này, 22 người đàn ông giàu nhất trên toàn cầu có số tài sản lớn hơn so với tổng số tài sản của tất cả phụ nữ ở châu Phi cộng lại. Giám đốc điều hành chi nhánh của Oxfam tại Ấn Độ cho biết, khoảng cách giàu nghèo chỉ có thể giải quyết được bằng việc áp dụng các chính sách xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng.
Trong vòng một thập kỷ qua, số tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi và số tài sản của họ nhiều hơn so với số tài sản của 60% dân số toàn cầu cộng lại. Báo cáo nhấn mạnh, nếu 1% người giàu có nhất trên thế giới trả thêm 0,5% tiền thuế trong 10 năm, số tiền này sẽ tạo ra 117 triệu việc làm mới trong các lĩnh vực như chăm sóc người già và trẻ em, giáo dục và y tế.
Chênh lệch giàu nghèo không được thu hẹp mà còn ngày càng tăng, tại Việt Nam cũng vậy. Khảo sát của Oxfam vào năm 2016 cho thấy, mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% hộ giàu nhất và nhóm 20% hộ nghèo nhất là 21 lần.
Tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện cứ 100 hộ thoát nghèo lại có khoảng 18 hộ nghèo phát sinh mới. Vùng nghèo nhất cả nước vẫn là vùng phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung (như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!