Đây không chỉ là một tuyến đê biển chắn sóng đơn thuần, dự án này kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội cho Thủ đô Jakarta.
Năm 2016, Indonesia quyết định thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển đê chống ngập tại Thủ đô Jakarta nhằm kiểm soát sụt lún mặt đất cũng như phòng chống lũ lụt từ biển và sông cho thủ đô này.
Dự án có sự hợp tác 3 bên, gồm Indonesia, Hàn Quốc và Hà Lan, trong đó Hà Lan thực hiện tư vấn về giải pháp kỹ thuật, tài chính.
"Dự án mang tới một giải pháp tích hợp, vừa xây dựng đê biển, vừa cung cấp nước sạch cho người dân để hạn chế khai thác nước ngầm, phát triển giao thông cũng như phát triển làng cộng đồng và phục hồi di sản ven biển. Với các biện pháp đang được triển khai hiện nay, chúng tôi dự tính tình trạng sụt lún của Jakarta sẽ gần như chấm dứt trong vòng 15 - 20 năm tới" - ông Joost Noordermeer (Quản lý dự án) cho biết.
Hiện dự án bước vào giai đoạn 2 bao gồm việc cải tạo đất lấn biển rộng 2.000ha ở vịnh Jakarta, xây dựng một tuyến đê biển dài 20km chạy vòng ngoài, đồng thời cũng là đường thu phí. Chính việc đa chức năng hóa tuyến đê này đã góp phần mang lại giải pháp tài chính khả thi cho dự án nhiều tỷ USD này.
Các chuyên gia ước tính việc đầu tư khoảng 8 tỷ USD cho các công trình chống ngập lụt cho Jakarta sẽ mang lại lợi ích kinh tế trị giá khoảng 55 tỷ USD. Có thể nói, Indonesia đã tìm ra lời giải hữu hiệu cho bài toán chống biến đổi khí hậu.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển, với dân số trên 150.000 người trên khắp hành tinh đang bị đe dọa bởi nước biển dâng.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách bị đe dọa, thủ đô Manila của Philippines đứng thứ 2 và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng thứ 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!