Thực tế, các bến xe, nhà ga đã có kế hoạch phục vụ Tết từ cách đây hơn một tháng và việc phục vụ các đợt cao điểm này cũng không xa lạ với các nhà xe, bến tàu. Vấn đề là chất lượng phục vụ phải ngày một tốt hơn vì người dân đã bỏ tiền ra mua vé thì phải có được sự an toàn, thuận tiện.
Dịp Tết, các xe thường tăng chuyến, lái xe sẽ làm việc nhiều hơn, một chút mệt mỏi, thiếu tỉnh táo của lái xe khách sẽ gây ra những rủi ro rất lớn cho hành khách và ảnh hưởng đến lưu thông thông suốt trên các tuyến đường. Do đó, các bến xe phải nắm rõ được lịch trình của từng nhà xe, từng chuyến xe và đưa ra các khuyến cáo với các lái xe đã chạy quá giờ quy định, không đảm bảo an toàn cho hành khách.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là gần đây, đã có cảnh báo về khoảng trống trong việc kiểm tra an toàn hành lý gửi xe khách. Hiện chưa có cơ chế để kiểm tra an ninh với hành lý của khách đi xe khách như cách thức kiểm tra với khách đi máy bay. Đó là chưa kể nhiều nhà xe còn nhận thêm hàng. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do hàng hóa là chất dễ cháy nổ được gửi cùng xe khách.
Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GTVT đặt ra với các bến xe, với lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông. Trong khi các bến xe chưa được trang bị hệ thống soi chiếu an ninh, việc gửi hành lý ký gửi còn tương đối dễ dãi, thực chất, đây vẫn là rủi ro với cả chủ xe và hành khách.
Thực tế, có lẽ nhiều bến xe cũng đã thấy được điều này nhưng đầu tư hệ thống máy soi an ninh cũng không đơn giản, chưa kể phát sinh nhân sự quản lý, vận hành và tất cả các chi phí này sẽ được tính vào giá vé nên trước mắt, chỉ trông đợi vào sự tự giác của lái xe, phụ xe trên đường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!