Chỉ với nút nhấn gọi xe, khách hàng có thể biết ai là tài xế, theo dõi tiến trình từ lúc lái xe nhận cuốc xe, lịch trình, số tiền phải trả. Minh bạch và dễ dàng hơn là những ưu thế của xe công nghệ. Tiện lợi nên phát triển nhanh, nhanh và nhiều nên thị trường gọi xe công nghệ có thể xem là khá lộn xộn. Không chỉ đơn thuần là xe công nghệ mà có cả chục ngàn taxi, xe ôm truyền thống cũng tham gia vào chạy xe công nghệ. Do đó, việc kiểm soát thị trường này là không dễ. Ngay cả cơ quan chức năng cũng không biết chính xác từng hãng có bao nhiêu xe.
Theo ghi nhận, nhiều tài xế xe ôm công nghệ mặc tới 2, thậm chí 3 loại màu áo, mũ. Lẫn lộn giữa các hãng, một tài xế, một xe tham gia nhiều hãng gọi xe. Thậm chí khi khách hàng gọi xe, thông tin hiển thị trên màn hình là một biển số nhưng khi tài xế đến đón, xe lại là biển số khác. Không thể phủ nhận tiện ích của xe công nghệ, nhưng những lộn xộn như vậy ảnh hưởng không ít đến người dùng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu, nghiên cứu xây dựng Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe taxi công nghệ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi nghị định này phải loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mạng lưới vận tải thay phương thức quản lý truyền thống. Luật mở hơn để phát huy các thế mạnh của xe công nghệ và để quản lý thì chính các hãng xe công nghệ cần chuẩn hóa hoạt động của mình, thắt chặt quản lý hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!