Một số điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 20/11/2019 19:37 GMT+7

VTV.vn - Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Sẽ nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình hay người lao động sẽ được thêm một ngày nghỉ liền kề với ngày Quốc khánh là một số điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua vào sáng 20/11. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Liên quan đến việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Quốc hội giữ nguyên như quy định trong bộ luật hiện hành, nhưng có sửa đổi thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về những trường hợp nào được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 - 300 giờ/năm. Bộ luật cũng bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm là ngày liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9.

Về tiền lương, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Lao động nữ được áp dụng một số quy định riêng như được ưu tiên giao kết hợp đồng lao đồng mới nếu họ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà thời hạn hợp đồng lao đồng đã hết hạn. Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo lộ trình này, đến năm 2028, lộ trình nghỉ hưu với nam sẽ hoàn tất vì chỉ thêm 2 năm, còn với nữ là năm 2035.

Một số công việc có tính chất đặc thù như: diễn viên xiếc, vận động viên thể thao, diễn viên nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non... sẽ được quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù, người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp. Trong trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp, người lao động có quyền nghỉ hưu sớm.

Bộ LĐ-TB&XH đã tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn từ 5 - 10 năm. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định quyền nghỉ hưu muộn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nguyên tắc là người nghỉ hưu muộn hơn chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo, cơ quan có nhu cầu sử dụng và cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc. Mặt khác, người lao động nếu đóng đủ 20 năm BHXH có quyền chốt sổ và nghỉ việc, chờ đến tuổi lĩnh lương hưu, không nhất thiết phải làm đến tận 60 - 62 tuổi mới nghỉ. Tuy nhiên, khi đó người lao động chỉ được hưởng một phần tiền lương hưu.


[Infographic] Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Những điều cần biết [Infographic] Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Những điều cần biết

VTV.vn - Nếu bản dự thảo này được thông qua sẽ tác động nhiều mặt đến quyền lợi của người lao động.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước