Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, nhưng có thể nghỉ hưu trước 10-15 năm

PV-Thứ tư, ngày 23/10/2019 12:09 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Trước những ý kiến nhiều chiều về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã làm rõ hơn vấn đề này.

Ngày 23/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, nhưng có thể nghỉ hưu trước 10-15 năm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật. Tại Phiên họp thứ 36 và 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Bộ luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công…

Trong số các nội dung lớn trên, dự thảo Luật đưa ra theo hướng sửa đổi tăng tuổi nghỉ hưu cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.

Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng. 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang, con số khảo sát cho thấy nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt. Những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, người lao động không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định. Việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động cũng như các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau. Ngoài ra, cần phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh.

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, nhưng có thể nghỉ hưu trước 10-15 năm - Ảnh 2.

Theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11. Ảnh: Quochoi.vn

Trước những ý kiến nhiều chiều về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Việc xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) nói chung cũng như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, giải quyết tốt nhất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, vừa thúc đẩy thị trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xa hơn là thúc đẩy nền kinh tế phát triển là việc làm cần thiết. Vì vậy, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Phải nhìn xa trông rộng, một quyết định có tính chính trị, vì lợi ích lâu dài của đất nước. Đồng thời, một số vấn đề khác đều tìm được sự đồng thuận và có phương án giải quyết".

"Băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, có lẽ lực lượng băn khoăn nhiều hơn cả là người lao động trực tiếp và người lao động nặng nhọc, độc hại, rồi lao động suy giảm sức khỏe. Cần phổ biến cho người lao động hiểu, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung của những người lao động bình thường, trong điều kiện bình thường. Người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại vẫn nghỉ hưu trước 5 năm. Người lao động làm trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, cộng thêm suy giảm nữa, có thể nghỉ hưu trước 10 năm, 15 năm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ.

Đối với vấn đề giờ làm thêm, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết. Kinh nghiệm cho thấy, nước càng nghèo, thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, trong phương án trình, Bộ sẽ cân nhắc tới việc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển, đồng thời phải chăm lo cho người lao động.

"Một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp…, và một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt điều này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước