Đó là những người tự gọi mình là "hacker sinh học". Họ muốn nâng cấp cơ thể con người, phá vỡ các giới hạn. Ở Nga, phong trào này đang lan rộng.
Chỉ 1 vết rạch và 30 EUR, anh Alexei Rautkin đã được cấy một con chip trên tay. Nhờ nó, anh có thể mở cửa văn phòng chỉ bằng cái phẩy tay thay vì quẹt thẻ. Đối với anh, công nghệ cấy chíp là giai đoạn tiến hóa tiếp theo của con người.
Cấy chip là xu hướng của một số người nhưng số khác có tham vọng lớn hơn. Tại một phòng khám tư, doanh nhân Stanislav Skakun được lấy máu xét nghiệm. 20 ống máu của anh sẽ được mang đi phân tích. Anh bị ám ảnh bởi thí nghiệm giám sát chuyên sâu cơ thể để cải thiện nó.
Xét nghiệm máu chỉ là một phần trong quy trình gồm nhiều bước của anh đã kéo dài 5 năm nay. Ngoài ra, Stanislav còn thực hiện các xét nghiệm di truyền để xác định các rủi ro nếu có cũng như các xét nghiệm về cholesterol, glucose, mật độ xương hay hiệu quả của hệ thống miễn dịch…
Mỗi ngày, Stanislav uống 30 viên thuốc bổ với hi vọng sống đủ lâu để thấy những tiến bộ khoa học giúp con người trường thọ. Anh cho biết, tuổi sinh học của anh đã không thay đổi trong 5 năm qua.
Nhà sinh học Maxim Skulachev đang nghiên cứu về tuổi thọ với thí nghiệm trên chuột chũi trần châu Phi, loài gặm nhấm sống lâu nhất. Theo ông, lão hóa đã được lập trình trong gene và về lý thuyết nó có thể được chặn lại. Khi làm được như vậy, có thể chấm dứt các vấn đề liên quan đến tuổi tác và ung thư. Việc sống đến 100 tuổi sẽ trở thành chuẩn mực mới. Tuy nhiên, hiện nay đây vẫn chỉ là mơ ước.
Mặc dù không có con số chính xác nhưng ước tính có khoảng 1.000 người đang thử nghiệm những phương pháp này với niềm tin con người có thể sống vượt quá giới hạn về thể chất và tinh thần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!