Đây là lý do Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng đưa những kiến nghị với thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải thành phố để loại hình vận tải hành khách công cộng này có thể hoạt động hiệu quả hơn. Những kiến nghị này chủ yếu tập trung vào hạ tầng và giao thông tiếp cận. Cụ thể là cần ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, tiện ích tối thiểu tại các điểm đầu cuối và trung chuyển, điểm dừng đỗ cho xe bus.
Yêu cầu này là quan trọng trước khi phê duyệt các dự án xây dựng đô thị, khu chung cư, bệnh viện, trường học, chợ… Bên cạnh đó, phải dành vỉa hè cho người đi bộ để người dân có thể đi bộ an toàn, tiếp cận xe bus. Đồng thời, cần phải khôi phục điểm trung chuyển Cầu Giấy ngay sau khi tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội khai thác. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai vé điện tử và vé liên thông các loại hình vận tải để thuận tiện, nhanh chóng cho người dân tham gia.
Đến thời điểm hiện tại, trên toàn thành phố có 123 tuyến bus với gần 2.000 phương tiện. Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội dự kiến tiếp tục mở mới 21 tuyến xe bus nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân trong nội đô. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, đến năm 2019, mới chỉ có 385 trong số 3.000 điểm dừng có nhà chờ. Đây cũng là một trong những lý do khiến xe bus chưa thực sự thu hút được người dân sử dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!