Vì sao nhiều điều dưỡng, hộ lý Việt Nam thành công trên đất Nhật?

Quang Phồn (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 27/12/2019 18:39 GMT+7

VTV.vn - Bí quyết để làm việc lâu dài tại Nhật Bản của điều dưỡng Việt Nam là hãy nhẫn nại, chịu khó, nhiệt tâm và luôn bắt đầu mọi thứ bằng nụ cười.

Hơn 90% điều dưỡng, hộ lý Việt Nam thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia của Nhật Bản, trong khi chính người Nhật chỉ đỗ trên 70%. Người thi đỗ chứng chỉ này có thể làm việc lâu năm ở Nhật Bản với mức lương như người bản địa.

Các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam làm thế nào để đạt được điều này và giành được sự tôn trọng từ một đất nước tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động?

Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên. Việt Nam là 1 trong 3 nước mà Nhật Bản đang phối hợp để tuyển hộ lý, điều dưỡng viên. Nhiều lao động trẻ có mong muốn sang Nhật để làm ngành nghề này. Bằng chứng là 6 năm qua, đã có hơn 1.100 hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc. Sau 3-4 năm, nếu thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật, họ có thể làm việc cả đời tại đây.

Trò chuyện, hỗ trợ ăn uống, đảm bảo sinh hoạt thường ngày, giúp nghỉ ngơi, 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần từ sáng đến tối, không được phép đi muộn, không được nói chuyện, làm việc riêng trong giờ làm việc là những công việc lặp đi lặp lại của một Kaigo - lao động chăm sóc người cao tuổi.

Nhiệt tâm và hết mình, các điều dưỡng, hộ lý trẻ Việt Nam hòa nhập rất nhanh với môi trường chăm sóc người già tại đây, tạo sự hài lòng từ các cơ sở y tế và chính quyền địa phương. Có những điều dưỡng đã quyết định gắn bó lâu dài tại đây.

Với mức lương từ 32-36 triệu đồng/tháng, nhiều người cứ nghĩ rằng điều dưỡng viên tại Nhật là nghề việc nhàn lương cao nhưng ẩn sau đó có biết bao nhiêu nhọc nhằn vất vả mà họ phải chấp nhận để giữ việc làm, không ngừng học tập để rèn luyện chính mình và mở ra tương lai là làm việc lâu dài tại đất nước này.

Nhẫn nại, lễ nghi và kỷ luật - những tính cách bắt buộc trong môi trường làm việc ở Nhật Bản được các lao động Việt Nam quen thuộc. Đó là cũng cơ sở để họ thăng tiến trong công việc và gây bất ngờ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản.

Trong các kỳ thi chứng chỉ quốc gia của Nhật, hơn 90% điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đều thi đỗ, trong khi chính người Nhật chỉ đỗ trên 70%. Còn lại nhóm Philippines và Indonesia chỉ đạt trên 50%. Nó cho thấy khả năng và tiềm năng của lao động Việt Nam trong ngành nghề này. Chính các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam.

Nhật Bản vừa gia hạn tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý Việt Nam năm 2020 theo chương trình quốc gia đến ngày 13/1/2020 và kỳ thi tuyển sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/1 tới đây.

Việc liên tục gia hạn này cho thấy Nhật Bản đang rất cần các điều dưỡng, hộ lý và đặt trọng tâm vào lao động Việt Nam. Trực tiếp chính quyền nhiều tỉnh của Nhật đang sang ký kết các thỏa thuận hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường đưa lao động ngành y sang làm việc.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất với phía Nhật hạ một số tiêu chuẩn trong tuyển dụng, đào tạo để đưa được nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản.

Nhật Bản nới lỏng quy định tuyển chọn lao động nước ngoài Nhật Bản nới lỏng quy định tuyển chọn lao động nước ngoài Nhật Bản triển khai dịch vụ tư vấn cho lao động Việt Nam bằng tiếng Việt Nhật Bản triển khai dịch vụ tư vấn cho lao động Việt Nam bằng tiếng Việt Nhật Bản - Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất Nhật Bản - Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước