Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 là đợt suy thoái kinh tế kéo dài và nghiêm trọng nhất kể từ “đại khủng hoảng” thập niên 1930. Không chỉ kéo lùi sự phát triển của đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ, mà còn dẫn đến khủng hoảng nợ công ở châu Âu, suy giảm tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế. Những bài học của đổ vỡ kinh tế năm 2008 vẫn còn rất giá trị đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện nay của các nước đang phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về điều chỉnh kinh tế sau khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa diễn ra tại Hà Nội, Cựu Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - ông George W.Bush nói: “Trong vài tuần qua, nhiều người Mỹ đã cảm thấy lo lắng về tài chính và tương lai của họ, tôi hiểu sự lo lắng và sự thất vọng đó. Chúng ta đã thấy biến động ba con số trên thị trường chứng khoán, các tổ chức tín dụng lớn đang bấp bênh trên bờ vực và một số đã sụp đổ. Nhiều ngân hàng hạn chế cho vay, thị trường tín dụng đóng băng, các gia đình và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn khi vay tiền… chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng”.
Như một hiệu ứng domino, cơn lốc suy thoái kinh tế được cho là lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh đã làm chao đảo kinh tế toàn cầu, gây hệ lụy to lớn đến cả các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển như Việt Nam.
Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Giảng viên Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Đối với những nền kinh tế như Việt Nam thì cuộc khủng hoảng gây ra tác động lớn ngay từ đầu. Bởi vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường bên ngoài, sức cầu bên ngoài. Khi những nền kinh tế chủ chốt - những bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam gặp khủng hoảng tài chính thì Việt Nam đã gặp tác động ngay lập tức, độ trễ hầu như không có”.
Nhìn lại câu chuyện năm 2008, các chuyên gia cho rằng, bong bóng tài sản từ việc cho vay kích thích chi tiêu tùy tiện và hơn hết là sự kỳ vọng thái quá vào quy luật thị trường mà giảm thiểu vai trò điều tiết của Nhà nước là những nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu và rộng hơn vào cuộc chơi toàn cầu, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để lại những bài học quan trọng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế: “Bài học lớn nhất mà tất cả các nước cũng như Việt Nam phải xem xét, đó là không thể để mặc thị trường, mà Nhà nước phải giám sát rất chặt chẽ, đặc biệt là thấy bất ổn trong luồng di chuyển tài chính. Bài học thứ hai là, sau cuộc khủng hoảng này chúng ta không thể tăng trưởng dựa mạnh vào lao động, đầu tư, mà phải hướng tới tăng trưởng dựa vào năng suất lao động”.
Hội nhập kinh tế, hay tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang đem lại cơ hội thịnh vượng cho tất cả các quốc gia. Vấn đề là làm sao để tranh thủ tốt cơ hội đó, trong khi vẫn phải giảm thiểu được những tác động tiêu cực do “thế giới phẳng” mang lại.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!