Chiến dịch không vận đưa hơn 2.700 trẻ em từ Việt Nam qua Mỹ

Trần Xuân - Nguyễn Duy (VTV4)-Thứ sáu, ngày 10/04/2015 06:00 GMT+7

Nhiều thập kỷ trôi qua, những đứa trẻ Babylift nay đã trưởng thành, nguyện vọng của họ là tìm thấy đấng sinh thành hoặc người thân ở Việt Nam. Ảnh: AFP

VTV.vn - Đầu tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) để đưa hàng nghìn người con Việt rời quê hương.

Sau 40 năm, những trẻ em đã được chuyển đi trong chiến dịch không vận năm 1975 trở thành con nuôi ở các nước trên thế giới đã trở về để để tưởng niệm những người kém may mắn hơn họ trong chuyến bay không vận năm 1975 - chuyến bay C5A. Tất cả đều hát vang ca khúc Kumbaya để tưởng nhớ đến đến họ.

Tại khu Vườn Lài, An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM cách đây 40 năm (4/4/1975), chiếc máy bay C5A là 1 trong hơn 30 chiếc máy bay của chiến dịch không vận đưa hơn 2.700 trẻ em từ Việt Nam qua Mỹ đã phát nổ phần đuôi khiến 153 người thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ em.

40 năm sau, những người có may mắn sống sót và người thân của họ đã trở lại, tất cả đều chung cảm giác nghẹn ngào như mới ngày hôm qua. Ca khúc Kumbaya là lời nguyện cầu gửi tới Chúa - người đến giúp đỡ cho linh hồn không may mắn.

Nguyễn Thúy - con lai Việt - Mỹ chia sẻ: “Tôi cảm thấy như mọi việc diễn ra đầy duyên số. 5 năm trước tôi đã có mặt ở đây và thật tuyệt vời khi lần trở lại này tôi có thêm những người bạn đồng hành. Lần trở lại này cũng đầy cảm xúc bởi có những người bạn của chúng tôi đã qua đời, tôi rất xúc động, muốn gửi lời nhắn nhủ tới những người bạn không may mắn sống sót như chúng tôi trong chuyến bay đó. Tôi chỉ hy vọng rằng họ được yên nghỉ thanh thản”.

Philip R Wise - phi công của chuyến bay C5A năm xưa vẫn nghẹn ngào xúc động khi nhắc tới thời khắc kinh hoàng đó: “Tôi đang rất xúc động! Tôi cảm thấy mình đã được đền đáp khi vẫn có những người quan tâm và nhớ đến. Và hôm nay khi được gặp lại những đứa trẻ trong vụ rơi máy bay năm xưa, tôi đã vô cùng xúc động. Cho tới bây giờ tôi vẫn luôn cảm ơn cuộc sống. 40 năm trước, chiếc máy bay chở chúng tôi đã bị rơi, ngày hôm nay tôi như được sinh ra một lần nữa. Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi cơ hội này và được gặp lại những đứa trẻ năm xưa và cả gia đình họ, bố mẹ lẫn con cái họ. Tôi cảm thấy rất mãn nguyện”.

5 năm một lần, họ lại trở về thăm quê hương. Nguyễn Thị Linh Ngọc là một trong số ít trẻ em may mắn sống sót sau tai nạn ngày 4/4/1975, nay đã trưởng thành. Dù sống trong sự yêu thương của bố mẹ nuôi, mỗi lần về Việt Nam, với Ngọc là tình cảm gắn bó với quê cha.

Nguyễn Thị Linh Ngọc - Việt kiều tại Washington DC (Mỹ) - nói: “Khi tôi trở lại việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007, tôi đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời. Tôi rất muốn chia sẻ điều đó với chồng mình, tôi muốn anh ấy biết nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống trước khi tôi được nhận nuôi. Lựa chọn trở về Việt Nam thật là một quyết định sáng suốt, tôi nghĩ rằng những người từng được nhận nuôi như tôi cũng nên quay trở lại, kể cả khi họ không tìm thấy những người họ hàng xưa thì họ vẫn có những trải nghiệm và có thể gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ. Đó là những cảm giác rất tuyệt vời. Việt Nam quả thực rất đẹp. Tôi yêu Việt Nam, đây chính là quê hương của tôi”.

Mảnh vỡ máy bay vẫn còn trên cánh đồng. 40 năm đã qua, tất cả nhân chứng lịch sử và gia đình họ đều không thể quên và nguyện cầu những điều tốt đẹp đến với những số phận kém may mắn. Điều quan trọng hơn cả, họ được trở về quê hương, về với nguồn cội.

Dưới đây là phóng sự chi tiết của nhóm phóng viên VTV4:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước