Dự thảo Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo của Việt Nam mới đây đã hoàn tất quá trình đưa ra lấy ý kiến đóng góp của người dân. Hiện Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục xem xét, chỉnh sửa để hoàn thiện và thông qua Dự thảo. Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo khi thông qua sẽ thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004. Đây là nỗ lực quan trọng của Việt Nam trong việc thể chế hóa thành luật các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, làm lành mạnh hóa các quan hệ và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vì lợi ích chính đáng của các tín đồ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chris Seiple - Viện trưởng danh dự Viện Liên kết toàn cầu của Mỹ (IGE) - xung quanh lĩnh vực này:
Xin ông đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?
- Tất cả các quốc gia đều có quá trình chuyển giao cũng như có những cách riêng của mình để tiếp cận với vấn đề này. 10 năm trước, năm 2004, theo Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn là một nước chưa có tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng hiện tại, Việt Nam không còn nằm trong danh sách đó nữa.
Kể từ đó đã có rất nhiều những buổi tập huấn, đào tạo về tôn giáo và pháp quyền trên khắp đất nước. Chúng tôi đã thấy được sự thay đổi trong cách tư duy, đặc biệt là ở cấp độ cao nhất của Chính phủ Việt Nam.
Viện liên kết toàn cầu của chúng tôi không tạo ra sự thay đổi đó, chúng tôi chỉ đồng hành cùng quá trình thay đổi, hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam theo những định hướng mà các bạn vốn đang làm.
Xin ông cho biết những ưu điểm và hạn chế của bản Dự thảo Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo hiện tại của Việt Nam?
- Thứ nhất, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tôn giáo và pháp quyền, trước đây Việt Nam chỉ mới có pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo, điều đó đồng nghĩa với việc pháp lệnh có thể được giải thích khác nhau ở các cấp khác nhau, cấp tỉnh hay cấp xã. Việc lấy ý kiến về một bộ luật tôn giáo là rất tốt bởi nó tạo ra những cuộc trao đổi mà qua đó cho thấy xã hội hay Chính phủ nhìn nhận vấn đề này như thế nào, đó điểm rất tích cực. Chúng ta đang có bản thảo luật và Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của tất cả mọi thành phần xã hội, cũng như ở các cấp trong Chính phủ. Điều này rất tốt.
Nếu muốn xây dựng một bộ luật tôn giáo, bạn cũng cần có ý kiến của cả những người không theo tôn giáo, bởi vì tất cả mọi công dân đều bình đẳng dưới sự minh bạch của pháp luật. Và đó là điều mà Việt Nam đang làm để hoàn thiện.
Mặt khác, các bạn sẽ có một bộ luật, nhưng theo cách tôi hiểu, với dự thảo luật hiện tại thì sẽ cần một quá trình lâu dài cho việc đăng ký hoạt động. Thêm vào đó, khi có sự vi phạm luật, sẽ có những hình phạt để áp dụng, nhưng dự luật hiện tại lại chưa có cơ chế kháng cáo.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!