Sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn là một hướng đi được nhiều quốc gia lựa chọn, trong đó có Việt Nam. Với riêng Mỹ, Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Việt - Mỹ đã có hiệu lực từ năm ngoái và đang là cơ sở để các tập đoàn Mỹ quan tâm nhiều hơn tới thị trường năng lượng hạt nhân Việt Nam.
Mô hình đáy thùng lò phản ứng hạt nhân công nghệ nước sôi của công ty năng lượng hạt nhân General Electric Hitachi tại North Carolina, Mỹ là một trong hai công nghệ lò phổ biến của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, bài toán duy trì hoạt động của lò phản ứng trong tình huống khẩn cấp được các nhà cung cấp công nghệ đặc biệt quan tâm.
GE Hitachi chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm tới thị trường hạt nhân dân sự của Việt Nam với mục tiêu năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng trên 10% nhu cầu tiêu dùng điện năng trong nước vào năm 2030, 20 - 50% vào năm 2050.
Thị trường hạt nhân dân sự của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hai tại Đông Á. Theo một tính toán của Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ, thị trường hạt nhân dân sự tại Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ khoản doanh thu từ 10-20 tỷ USD Mỹ.
Trên thế giới hiện tồn tại hai loại điện công nghệ hạt nhân chính: một là công nghệ áp lực và thứ hai là công nghệ nước sôi. Nhưng cho dù công nghệ nào thì sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukoshima Nhật Bản, vấn đề an toàn lại càng được đặt ra cao hơn và các công ty điện hạt nhân cũng đã có những cải tiến để có thể ứng phó hữu hiệu hơn với những sự cố kiểu như Fukushima. Và đây cũng là vấn đề được các nước đang có nhu cầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.