“Hà Nội đã thay đổi như thế nào?”

Kiều Anh - Văn Tùy (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ hai, ngày 14/09/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi như thế nào” với sự tham gia của nhiều diễn giả vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Bốn khách mời là nhà thơ Vi Thùy Linh, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã đề cập đến sự thay đổi của Thủ đô qua hàng thập kỉ, từ kiến trúc đường phố cho đến hình bóng con người.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người yêu Hà Nội, những người đã cam kết cùng nhau bảo tồn Thủ đô bằng hành động, dù là nhỏ bé.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã giới thiệu những bức ảnh về các căn nhà ống, treo đầy biển quảng cáo trong các dự án nghệ thuật về Hà Nội. Trước năm 1986, ở Hà Nội không tìm đâu ra cảnh nhiều căn nhà cao tầng như vậy, từ “mặt tiền” trở thành “tiền mặt”, không gian riêng tư trở thành không gian công cộng. Còn những cột điện bằng sắt có tuổi đời gần 100 năm tuổi đang dần dần biến mất, thay vào đó là những cột điện bê tông.

Bằng nghệ thuật thị giác và cách kể chuyện gần gũi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn đã đưa ra các hiện tượng xã hội và cách giải mã các hiện tượng đó hoàn toàn phụ thuộc vào người xem. “Cột điện nó không còn là cột điện như người Pháp mang đến là truyền dẫn điện với một hệ thống dây điện, mà một cột điện mang đến 10 hệ thống dây nên tôi đặt cho nó là siêu truyền dẫn. Thậm chí, nó trở thành chỗ để treo mắc loa, băng rôn hoặc bất cứ cái gì mà người ra sử dụng cho ngày lễ để tuyên truyền”.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã mang đến buổi trò chuyện quan điểm của mình về sự thay đổi của Hà Nội, dưới góc độ văn hóa và phong tục. “Trong kí ức của mỗi người có một Hà Nội khác nhau, điều khác nhau đó tạo nên sự đa dạng về diện mạo của Hà Nội. Có những người nói yêu Hà Nội trong quá khứ hơn, rất nhiều người yêu Hà Nội của thời Pháp thuộc, Hà Nội trước khi có sự hỗn loạn như hiện nay chúng ta đang thấy. Có người lại yêu Hà Nội của thời bao cấp, có những cụ già lại yêu Hà Nội của một thời quá vãng, thời Nguyễn chẳng hạn. Trong điểm nhìn của tôi không có sự yêu và ghét, mà mình nhìn khách quan hơn là ở mỗi thời đại khác nhau, có đặc điểm khác nhau, mình nên nhìn nó dưới góc độ bao dung hơn giúp chúng ta có thể định hướng một điểm nhìn, một cách ứng xử của người hiện đại”.

Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng bày tỏ những quan điểm và bức xúc của mình khi chứng kiến Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Kiến trúc sư Phó Đức Tùng cho rằng, dù vận động thế nào thì Hà Nội cũng có những ưu điểm khác.

Những người tham gia buổi tọa đàm cũng đưa ra những chia sẻ của riêng mình. Họ cho rằng bản thân Hà Nội cũng đang thay đổi để phù hợp với thời đại.

Đặng Văn Trung, Việt kiều châu Âu nhận xét: “Hà Nội đã có nhiều thay đổi, đó là nhận xét chung của nhiều người nước ngoài khi có điều kiện quay lại Việt Nam. Đó là sự thay đổi về diện mạo, về sự phát triển của một nền kinh tế, sự thay đổi về đời sống người dân đã được nâng cao. Chúng ta thấy nhiều xe cộ trên đường, nhiều cửa hàng, công trình xây dựng. Tuy nhiên với so với các nước trong khu vực, trong một thời gian dài như vậy, những sự thay đổi đó cũng chưa làm chúng ta cảm thấy hài lòng”.

Kết thúc buổi tọa đàm, mọi người đều nhận định rằng, dù Hà Nội có thế nào thì tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn vật này vẫn không có sự khác biệt, chỉ có điều mỗi người đều đang yêu Hà Nội theo cách của riêng mình mà thôi.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước