Với chủ đề đặc biệt, quy tụ những tên tuổi lớn của ngành điện ảnh Việt Nam đầu những năm 80 như diễn viên Thế Anh, Hoàng Cúc, đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung, bộ phim Hồi chuông màu da cam đã gây tiếng vang lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Bộ phim đã đoạt giải Bông sen Bạc của Việt Nam và giải đặc biệt tại Liên hoan phim Carlovy Vary của Tiệp Khắc (cũ).
Hồi chuông màu da cam là bộ phim nhựa dài 70 phút về nỗi đau và ân hận của người lính chế độ cũ tên Phan Nam. Ông là người đã trực tiếp thực hiện nhiều phi vụ đặc biệt rải chất diệt cỏ tại Việt Nam mà không hề được thông báo về tác hại của chúng. Hậu quả là vợ ông sinh ra đứa con dị dạng và tự tử vì đau khổ. Ân hận, ông đã quy y cửa Phật. Nhiều năm sau, một người bạn cũ đã cho ông biết, mọi đau khổ mà ông phải gánh chịu là hậu quả của chất dioxin.
Nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn cho biết: “Điểm đặc sắc nhất của phim là tính phát hiện đề tài, vì điện ảnh đôi khi cũng mang tính chất thời sự. Những năm đó, mình chưa nói nhiều về chất độc da cam, thì các nhà điện ảnh là những người làm phim nghệ thuật, nhưng họ cũng rất có tính thời sự, họ phát hiện chất độc da cam ảnh hưởng rất lớn”.
Bộ phim lấy một góc độ khá lạ - cái nhìn và suy nghĩ của một người lính chế độ Sài Gòn. Không có hình ảnh về những người tật nguyền, dị dạng nhưng sự dằn vặt và những hồi ức của Phan Nam đã thể hiện rất rõ hậu quả của chất độc da cam.
Cuối phim, Phan Nam đã lên tiếng tố cáo tội ác của Mỹ trước các nhà báo quốc tế. Tình cờ, người đi điều tra tội ác chiến tranh lại chính là một bác sĩ quân y người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam...
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.